Đưa con gần 1 tuổi đến khám tại Bệnh viện Thanh Nhàn, chị Nguyễn Ngọc Mai (huyện Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, bé bị ho, sốt cao 3 - 4 ngày không hạ, có tiền sử nhiễm Covid-19. Trẻ được chẩn đoán viêm tai giữa kèm viêm phổi, tiền sử suy hô hấp, sức đề kháng kém.
Cũng điều trị tại bệnh viện này, bé N. (22 tháng tuổi, Hà Nội) bị viêm phế quản kèm viêm phổi. Trước khi nhập viện, bệnh nhi ho, đờm nhiều, sốt cao 39 – 40 độ C. Sau gần một tuần điều trị, tình trạng viêm phổi của bé cải thiện nhưng lại bị viêm tai giữa, họng và mũi.
BS Nghiêm Thị Mai Sang, khoa Nhi và Đơn nguyên sơ sinh, Bệnh viện Thanh Nhàn, cho biết, hơn một tháng trở lại đây số lượng bệnh nhi đến khám, điều trị tại khoa tăng đột biến, khoảng 150 - 200% so với 2 tháng trước.
Phần lớn trẻ nhập viện đều mắc các bệnh lý đường hô hấp như sốt cao, ho, khò khè, khó thở, viêm tiểu phế quản, viêm phổi, tiêu chảy, tay chân miệng, sốt xuất huyết, thậm chí co giật. Trong đó có bé mới 2-3 tháng tuổi đã bị ho, viêm phổi nặng phải thở oxy. Nguyên nhân chính gây bệnh là do virus hợp bào hô hấp (RSV). Đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu virus RSV nên các bác sĩ chủ yếu giảm các biến chứng cho bệnh nhi.
BS Mai Sang cho biết, có nhiều trẻ nhiễm trùng tai do vi khuẩn hoặc virus trong tai giữa gây ra. Tình trạng nhiễm trùng cũng thường xảy ra do cảm lạnh, cúm hoặc dị ứng gây tắc nghẽn cửa mũi sau, vùng họng và vòi nhĩ.
Tại khoa Cấp cứu Nội – Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn, BS Nguyễn Hương Giang thông tin, lượng trẻ bị sốt, nôn, nhiễm khuẩn tiêu hóa, tay chân miệng, cúm A... vào khoa tăng, trong đó 90% bé có tiền sử mắc Covid-19. Trung bình một ngày khoa tiếp nhận 20 - 25 bệnh nhi, tăng so với thời gian trước, trong đó trẻ cần nhập viện để điều trị chiếm khoảng 60%.
Tương tự, tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Đức Giang, Bệnh viện Đại học Y, số bệnh nhi đến khám và điều trị cũng tăng nhanh, với ba bệnh lý phổ biến là bệnh đường hô hấp, tay chân miệng và sốt nôn - tiêu chảy. Tại Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai, nhân viên phải sắp xếp, điều phối giường do số ca nhập viện tăng gấp hai đến ba lần, cao điểm lên 400 ca/ngày.
BS Nguyễn Hương Giang khuyến cáo, cha mẹ cần cho trẻ đi khám khi thấy con có biểu hiện như sốt cao từ hai ngày trở lên, ho, khò khè, chảy mũi kéo dài, nôn, tiêu chảy.
Với thời tiết nắng nóng, việc sử dụng máy điều hòa không khí cần thiết với gia đình có trẻ nhỏ. Phụ huynh nên để điều hòa 27 – 28 độ C, không nên để lạnh hoặc nóng quá, tránh tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn phát triển gây bệnh.
Đối với bệnh viêm tai giữa, theo các bác sĩ, để phòng ngừa bệnh, trẻ cần được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng để trẻ có miễn dịch tự nhiên, khả năng đề kháng tốt. Tiêm chủng đầy đủ để có hệ miễn dịch khỏe mạnh, lưu ý vaccine phế cầu và 5in1 hay 6in1 để giúp trẻ phòng được hai nguyên nhân hàng đầu gây bệnh là HIb và phế cầu.
Bên cạnh đó giúp bé có môi trường không khí tốt, môi trường thoáng và sạch, tránh ẩm mốc, tuyệt đối tránh xa khói thuốc lá. Với bé cơ địa dị ứng, cần tránh tiếp xúc bụi, thú bông, các loại chăn lông, hay lông chó, mèo... Tránh xa các yếu tố làm tăng phơi nhiễm cho trẻ như không ôm hôn, không ho hoặc hắt hơi vào trẻ, rửa tay sạch bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ...