Trong thời gian gần đây, tại các cơ sở y tế và trong cộng đồng ghi nhận số lượng ca nhiễm lẫn ca tái nhiễm SARS-CoV-2 do biến thể mới Omicron tiếp tục gia tăng.

Việc kiểm soát đại dịch trong thời kỳ bình thường mới đang gặp phải nhiều khó khăn nhất là việc thiếu hụt đội ngũ lao động cũng như tăng gánh nặng cho y tế địa phương.

Khi virus lây lan qua nhiều người theo thời gian, chúng thay đổi so với ban đầu, tạo nên các biến thể mới. Đó là sự tiến hóa tự nhiên. Một biến thể đáng chú ý khi nó dễ lây lan hơn, thay đổi biểu hiện lâm sàng hoặc làm giảm hiệu quả của các công cụ kiểm soát - chẳng hạn như các biện pháp y tế công cộng, chẩn đoán, điều trị và vắc xin.

Biến thể Omicron, biến thể B.1.1.529, được báo cáo lần đầu tiên cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào ngày 24.11.2021 và được WHO phân loại là biến thể cần quan tâm. Kể từ khi biến thể Omicron của SARS-CoV-2 lần đầu tiên được phát hiện, số lượng người bị tái nhiễm Covid-19 đã tăng mạnh. Từ khoảng giữa tháng 11.2021, tỷ lệ tái nhiễm chiếm khoảng 1% các trường hợp Covid-19 được báo cáo, nhưng tỷ lệ hiện nay đã tăng lên khoảng 10%. Nguy cơ tái nhiễm cao hơn 16 lần trong khoảng thời gian từ giữa tháng 12.2021 đến đầu tháng 1.2022, khi Omicron thống trị.

Các nghiên cứu cho thấy tình trạng nhiễm virus trước đó có hiệu quả ngăn ngừa đến 90% với các biến thể Alpha, Beta hoặc Delta, nhưng nó chỉ có hiệu quả 56% đối với Omicron.

Omicron mang một số lượng lớn các đột biến trong protein của nó - mục tiêu chính của các phản ứng miễn dịch, ảnh hưởng đến khả năng nhận diện virus của kháng thể và ngăn chặn sự lây nhiễm. Omicron làm giảm hiệu lực của các kháng thể trung hòa trên diện rộng, nổi trội hơn bất kỳ biến thể SARS-CoV-2 đang lưu hành.

Theo khuyến cáo mới nhất của WHO, để bảo vệ bản thân khỏi nguy cơ lây nhiễm, các biện pháp cơ bản và hiệu quả vẫn là:

- Giữ khoảng cách ít nhất 1 mét với những người khác

- Đeo khẩu trang vừa vặn che miệng và mũi

- Mở cửa sổ cho thoáng khí

- Ho hoặc hắt hơi vào khuỷu tay cong hoặc khăn giấy

- Vệ sinh tay thường xuyên với dung dịch sát khuẩn

- Tiêm vaccine ngay khi có thể.

Cơ chế tác động của biến thể Omicron, làm thế nào biến thể này “trốn” được hệ thống miễn dịch, vẫn chưa được làm rõ. Sự phức tạp nằm ở số lượng đột biến của nó.

Mặc dù ghi nhận tỷ lệ ca nhiễm Omicron trở nặng có thấp hơn so với các biến thể khác, nhưng người dân cũng không nên chủ quan. Các vấn đề của hội chứng hậu Covid-19 vẫn còn nhức nhối và thách thức nền y tế chúng ta hiện nay. Vì vậy chúng ta cần nâng cao ý thức phòng bệnh hơn trị bệnh, tuân thủ các hướng dẫn của Bộ Y tế.

BS Phạm Ánh Ngân - BV Đại học Y dược TP HCM cơ sở 3