Chị H. ở quê Vĩnh Phúc sinh con trai đầu lòng bằng phương pháp mổ vào năm 2014. 2 vợ chồng dự tính sinh con thứ hai nhưng nhiều lần mong ngóng đều không có tin vui. Thăm khám tại cơ sở chuyên khoa, các bác sĩ xác định, chị H. vô sinh thứ phát do khuyết sẹo mổ lấy thai, có dịch buồng tử cung. Đây là tình trạng sẹo mổ lấy thai cũ không hồi phục hoàn toàn, để lại vết lõm trong buồng tử cung.

"Mổ đẻ xong thì không có dấu hiệu gì bất thường cả, khi đến chu kỳ kinh nguyệt thì tôi bị đau bụng và giữa chu kỳ ra rất nhiều dịch có màu sẫm, đi thăm khám thì bên trong buồng tử cung có nhiều dịch" - chị H. thông tin.

BS Tạ Việt Cường, Phó Giám đốc Trung tâm khám và điều trị, chăm sóc sức khỏe sinh sản - Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cơ sở 2 cho biết khuyết sẹo mổ lấy thai là biến chứng liên quan cuộc mổ lấy thai trước đây. Sẹo làm cơ tử cung xung quanh co bóp kém, gây ứ máu và dịch, hạn chế vận chuyển tinh trùng qua cổ tử cung hoặc cản trở sự làm tổ của phôi. Ngoài ra, tình trạng viêm nhiễm do máu kinh và dịch tích tụ tại vùng khuyết có thể dẫn đến tắc vòi trứng, mang thai ngoài tử cung hoặc ngay tại vết mổ tăng các nguy cơ tai biến sản khoa. Nguyên nhân gây khuyết sẹo mổ cũ chưa được xác định, nhưng có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới quá trình lành sẹo, làm tăng nguy cơ hình thành khuyết sẹo mổ cũ.

"Với tỷ lệ mổ đẻ tăng lên thì khuyết sẹo mổ đẻ cũ cũng là một bệnh lý rất phổ biến với chị em phụ nữ sau khi mổ đẻ. Tình trạng này có thể xảy ra sau khi mổ đẻ lần thứ nhất, mà cũng có thể lần thứ 2, thứ 3. Khi phẫu thuật chúng tôi cũng gặp những bệnh nhân trong lòng tử cung thể hiện 2 vị trí khuyết sẹo, chứ không phải chỉ có 1 vị trí khuyết sẹo. Khuyết sẹo mổ đẻ cũ về bản chất, khi bác sĩ rạch cơ tử cung để lấy em bé sau đó khâu lại thì vùng đó tại thành 1 sẹo trên thân tử cung, quá trình liền do đó không giống những vị trí khác. Khi nối giữa 2 mép của vết mổ thì tạo thành góc nối, quá trình sẹo hình thành thì đa dạng về hình thái…" - BS Cường cho biết.

Nếu phụ nữ bị xuất huyết giữa chu kỳ kinh hoặc có một chu kỳ kinh kéo dài, rất có thể nguyên nhân từ vết sẹo mổ cũ. Đau vùng chậu, đau khi sinh hoạt tình dục cũng là triệu chứng phổ biến của khuyết sẹo mổ lấy thai, bởi có đến 40% người bệnh gặp tình trạng này.

Hiện nay, có một số phương pháp để điều trị khiến khuyết sẹo mổ lấy thai cũ như hút dịch ứ tại sẹo mổ cũ; soi buồng tử cung, cắt và tái tạo sẹo bị hở; phương pháp nội soi ổ bụng hay ngả âm đạo.

BS Tạ Việt Cường nhấn mạnh, phương pháp điều trị sẽ dựa trên mục đích của người bệnh như muốn cải thiện chất lượng sống, chấm dứt tình trạng rong kinh, thống kinh hay mục đích có thể mang thai ở lần tiếp theo.

"Phương pháp đơn giản nhất là đưa 1 dụng cụ vào vùng khuyết sẹo để hút dịch ra tuy nhiên phương pháp này tỉ lệ thành công thấp nhất, phương pháp thứ 2 có thể áp dụng đó là mổ soi buồng tử cung, tạo đường dẫn để dịch có thể chảy ra ngoài, dùng dao điện đốt tăng sinh mạch máu ở khu vực đó…. Phương pháp thứ 3 là nội soi hay mổ mở để xử lý vết mổ đó, nhưng nhược điểm lớn nhất là thời gian phục hồi lâu và về bản chất cũng là mổ mở nên chưa chắc chắn là xử lý triệt để" - BS Tạ Việt Cường phân tích.

Sản phụ sau sinh mổ lấy thai, nếu người bệnh gặp phải tình trạng rong kinh hay khó thụ thai tự nhiên cần đến thăm khám với bác sĩ sản khoa để chẩn đoán nguyên nhân. Khi phát hiện khuyết sẹo mổ cũ người bệnh sẽ được điều trị nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống, hạn chế biến chứng vô sinh thứ phát.