Thông thường nước lũ sẽ cuốn theo rác thải, xác động vật và hóa chất…tạo điều kiện thuận lợi để các vi sinh vật có hại gây bệnh cho con người. Những khu vực như nhà vệ sinh, chuồng gia súc hay kho hóa chất là nơi dễ phát tán mầm bệnh nhất. PGS.TS Nguyễn Huy Nga – nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo, để phòng bệnh người dân ở vùng lũ lụt cần chủ động “nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đó”, thu gom bùn đất, rác thải vào các túi nilong buộc kín để xử lý chôn lấp. Xử lý nguồn nước theo hướng dẫn của cán bộ y tế.

"Người dân cần đào các hố cách xa nhà, sâu khoảng 70-80 phân, rắc vôi bột hoặc phun khử khuẩn cloramin B, cho xác động vật xuống rồi rắc vôi bột lên, như vậy sẽ hạn chế được vi khuẩn phát tán ra môi trường" - PGS.TS Nguyễn Huy Nga nhấn mạnh.

Ngoài làm sạch môi trường sau khi nước rút, cần ăn chín, uống sôi, vệ sinh tay bằng xà phòng và đảm bảo ATTP. Những ngày đầu sau lũ tốt nhất nên sử dụng các loại thực phẩm đóng hộp, thực phẩm ăn sẵn như mỳ gói...Không ăn những thực phẩm đã ôi thiu, ngâm trong nước lũ.

Một điều nữa cần đặc biệt lưu ý, khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị, tránh làm lây sang người khác từ đó lan ra cộng đồng.