Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết đơn vị vừa có văn bản báo cáo Bộ Y tế và Cục Quản lý Dược hỗ trợ cung ứng đủ thuốc điều trị tay chân miệng, nhất là hai loại thuốc Phenobarbital và Gamma Globulin truyền tĩnh mạch.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh số ca bệnh tay chân miệng tăng trong hai tuần gần đây, đặc biệt đã ghi nhận một số trường hợp nặng mắc virus Enterovirus 71 (EV71) gây nhiều biến chứng nguy hiểm, dễ dẫn đến tử vong.
Phenobarbital là thuốc điều trị co giật ở người lớn và trẻ em, nhất là trẻ sơ sinh. Thuốc có hai dạng là viên uống và dung dịch tiêm truyền qua đường tĩnh mạch. Phenobarbital thuộc phác đồ điều trị tay chân miệng của Bộ Y tế và nằm trong danh mục được Bảo hiểm y tế chi trả.
Với trẻ em, có một số loại thuốc chống co giật khác tốt hơn. Song Phenobarbital có ưu điểm vượt trội là an toàn, hiếm khi gây tác dụng phụ ngưng thở, hiệu quả kéo dài. Do đó thuốc này được ưu tiên dùng đối với các bệnh có co giật ở trẻ như tay chân miệng, viêm màng não, động kinh, rối loạn tiêu hóa, tăng - hạ canxi máu...
Vào năm 2020, các bệnh viện ở TP.HCM thiếu hai loại thuốc trên, các bác sĩ buộc phải chuyển sang phương án dùng thuốc dạng uống nhưng hiệu quả không bằng thuốc dạng dịch truyền.
“Do đó, việc đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ cung ứng đủ hai thuốc trên là để chủ động ứng phó khi tình hình dịch bệnh diễn tiến phức tạp”- TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết.
Hiện, các bệnh viện chuyên khoa Nhi của thành phố điều trị 33 trẻ bệnh tay chân miệng, đều dưới 5 tuổi, trong đó có 9 ca nặng. Trong số nặng có bốn trường hợp mắc EV71. Ngày 31/5, Bệnh viện Nhi Đồng 1 ghi nhận một bé trai tử vong sau khi mắc tay chân miệng độ 4. Ca này đang đợi kết quả xét nghiệm khẳng định PCR.
Năm 2011, EV71 gây đợt bùng phát tay chân miệng tại TP HCM với nhiều trường hợp nặng và tử vong. Khi ấy, type phổ biến là C4. Năm 2018, số ca nặng giảm, chủ yếu là type B5.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố (HDCD), tay chân miệng dễ lây lan nhất ở nhóm trẻ em. Khi trẻ em, học sinh tập trung trở lại vào năm học mới, là thời điểm bệnh có thể bùng phát.
Bệnh này chưa có vaccine phòng ngừa, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên HCDC khuyến cáo phụ huynh phòng bệnh cho trẻ bằng ba sạch: ăn uống sạch - ở sạch, bàn tay sạch và chơi đồ chơi sạch. Đồng thời, khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh (nổi bóng nước ở bàn tay, bàn chân, miệng) cần đưa đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất. Cha mẹ cho trẻ nghỉ học khi mắc bệnh để hạn chế lây lan cho trẻ khác.