Liên tục trong những ngày gần đây xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm khiến nhiều người phải nhập viện cấp cứu và điều trị. Đáng kể nhất là vụ ngộ độc tại quán cơm gà ở thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) khiến hơn 300 người bị ảnh hưởng tới sức khỏe. Câu chuyện về mất an toàn vệ sinh thực phẩm không mới, nhưng thêm một lần nữa dấy lên sự lo ngại.

Theo thống kê của Bộ Y tế, trong quý 1/2024, cả nước xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 659 người bị ngộ độc, trong đó có 3 người tử vong. Để chủ động đảm bảo ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm, Bộ Y tế ban hành Kế hoạch triển khai “Tháng hành động Vì an toàn thực phẩm” năm 2024, diễn ra từ ngày 15/4 - 15/5. Bên cạnh đó ngành y tế cũng khuyến cáo, chú trọng vấn đề VSATTP trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 8.

Vì sao lại chọn thời điểm này? Bởi theo TS BS Trương Hồng Sơn, Phó Tổng thư ký Tổng Hội Y học Việt Nam, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng VN thì quãng thời gian từ tháng 4 tới tháng 8 hàng năm là thời điểm thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiệt độ và độ ẩm cao, là môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn phát triển, dẫn tới ô nhiễm hoặc dễ làm cho thức ăn ôi thiu, nếu không được bảo quản cẩn thận. Thêm nữa, vi khuẩn phát triển mạnh nhất trong môi trường có nhiệt độ từ 32 đến 43 độ C. Cùng với đó, nhiệt độ tăng cao cũng khiến cho hệ miễn dịch của cơ thể dễ bị suy giảm, nhất là ở trẻ nhỏ, người lớn tuổi. Khi tiếp xúc với các độc tố của vi khuẩn trong thực phẩm, cơ thể sẽ giảm khả năng chống cự hơn.

Ngoài ra, theo TS BS Trương Hồng Sơn, tình trạng thực phẩm bẩn đang tràn lan ngoài thị trường, không đảm bảo về chất lượng, không rõ nguồn gốc; ngày càng có nhiều nhà sản xuất, kinh doanh thực phẩm sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng, những hóa chất cấm trong chế biến nông thủy sản và sử dụng nhiều loại chất tẩy rửa thịt, cá ôi thiu; rồi quy trình chế biến không nghiêm ngặt hay do nhiễm độc từ môi trường không đảm bảo vệ sinh, sử dụng nước thải sinh hoạt trong chế biến… Tất cả các yêu tố đó cộng lại khiến nguy cơ ngộ độc thực phẩm vào mùa nắng nóng càng tăng cao.

Chính vì thế, điều đáng lo ngại là hàng ngày, hàng giờ, đâu đó xảy ra những vụ việc ngộ độc thực phẩm gây nỗi bất an. Nhưng có một nghịch lý trớ trêu là, “lo ngại nhưng vẫn phải ăn” bởi cũng không có cách nào khác. Bởi vậy, để giảm thiểu phần nào nguy cơ ngộ độc thực phẩm, TS BS Trương Hồng Sơn khuyến cáo người dân cần có biện pháp đề phòng như :

- Chọn mua những loại thực phẩm có truy xuất nguồn gốc, có chứng nhận và kiểm định rõ ràng.

- Chọn mua thực phẩm của những nhà cung cấp, nhà sản xuất có uy tín, có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm.

- Nói KHÔNG với các loại hàng rẻ, hàng trôi nổi, hàng không có nhãn mác.

- Thay đổi thói quen tiêu dùng, hướng tới việc sử dụng các thực phẩm tự nhiên, thực phẩm hữu cơ nhằm hạn chế hàm lượng thuốc trừ sâu tích tụ vào cơ thể, bảo đảm an toàn, dinh dưỡng.

- Phải tìm hiểu, cung cấp cho mình những kiến thức về tiêu dùng sạch, sản xuất sạch để có cách nhận biết hoặc sử dụng thực phẩm một cách an toàn, thông minh.

Một số lưu ý trong chế biến bảo quản thực phẩm trong mùa nắng nóng:

1. Rửa sạch tay, và bề mặt tất cả dụng cụ bếp cũng như thực phẩm, rau xanh tươi sống

2. Đi chợ buổi sáng: Cần chọn mua thực phẩm tươi, sạch, không có màu sắc và mùi vị lạ, biểu hiện ôi thiu.

3. Không để lẫn thực phẩm sống với thức ăn đã nấu chín

4. Đun lại thức ăn trước khi cất vào tủ lạnh

Hãy đun sôi diệt khuẩn, để nguội mới cất vào tủ lạnh. Khi ăn nên hâm nóng ở nhiệt độ 70-100 độ C. Nên bảo quản thực phẩm, đồ ăn thức uống ở điều kiện che đậy, nhiệt độ dưới 4 độ C.

5. Rửa sạch rau rồi mới thái nhỏ

Để tránh và hạn chế các loại thuốc trừ sâu, hóa chất bảo quản, tốt nhất rau sống trước khi ăn cần phải ngâm vào nước gạo trong 30 phút, sau đó rửa sạch dưới vòi nước nhiều lần.

6. Ăn ngay khi nấu: Các loại thực phẩm cần được nấu chín trước khi ăn để loại trừ nguy cơ bị ngộ độc. Nếu để thực phẩm ở môi trường ngoài trời quá 4 tiếng rất dễ biến chất và ngộ độc

7. Bày bàn ăn cũng cần đúng cách: Hãy loại bỏ thức ăn dư thừa (đã tiếp xúc với nhiệt độ phòng lâu hơn 2 giờ đồng hồ hoặc để ngoài thời tiết nóng trong hơn 1 giờ). Thức ăn nguội nếu bày sớm trước 2 tiếng nên sử dụng khay đá phía dưới để thức ăn được bảo quản lạnh tốt hơn và thay thường xuyên khi đá tan chảy. Thức ăn nóng nếu bày sớm trước 2 tiếng nên sử dụng khay giữ nóng thức ăn, lò hâm (để ở bàn ăn)

8. Nấu chín thức ăn với nhiệt độ thích hợp nên được nấu chín ở nhiệt độ 60-100 độ C để loại trừ nguy cơ bị ngộ độc

9. Bảo quản thực phẩm đúng cách trong tủ lạnh: Thực phẩm sau khi mua khoảng 2 giờ tại các cửa hàng hay siêu thị cần được bảo quản lạnh. Đối với các loại thực phẩm như thịt, cá, hải sản có thể dự trữ trong ngăn đá của tủ lạnh khoảng 2 ngày, còn đối với thịt bò, thịt bê, thịt cừu thì có thể 3-5 ngày.

Song hành với người dân, về phía các cơ quan quản lý cần có những biện pháp để đảm bảo ATTP. Đối với các nhà quản lý: Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về ATTP. Cần có những quy định chặt chẽ, thanh tra, kiểm tra, quản lý quy trình chế biến bảo quản thực phẩm an toàn trường học, đường phố, khu vui chơi, lễ hội…. Tổ chức các đợt kiểm tra đột xuất những nơi có nguy cơ cao như: bếp ăn tập thể, trường học, suất ăn công nhân ở các khu chế xuất - khu công nghiệp, khu vực bán hàng rong, thức ăn đường phố… Phối hợp với chính quyền xã, phường, thị trấn cùng với công an, dân phòng, tổ dân phố… Đặc biệt, tăng các biện pháp, chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng. Có biện pháp nhắc nhở, cưỡng chế đối với những hộ bán hàng rong không có nguồn gốc xuất xứ thực phẩm rõ ràng. Kết hợp với nhà trường, khu dân cư đẩy mạnh truyền thông cho học sinh và người dân để khuyến cáo về vấn đề vệ sinh ATTP.

Tuy nhiên, TS BS Trương Hồng Sơn nhấn mạnh rằng: “Không có một lực lượng thanh tra ở bất kỳ quốc gia nào đủ sức bao sân tất cả công việc về quản lý, xử lý ATTP. Bởi vậy, để đạt được kết quả cao nhất, chắc chắn phải có sự ủng hộ của cộng đồng”

Dù đã có nhiều chương trình, chiến lược, quy định nhưng chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, việc kiểm soát nguy cơ ngộ độc thực phẩm vẫn là một bài toán khó giải quyết. Cùng với sự tăng cường quản lý, kiểm soát của các cơ quan chức năng, mỗi người dân cần tự mình nâng cao ý thức, nhận thức hơn nữa về an toàn thực phẩm, bởi “bách bệnh tòng nhập khẩu”, tức “trăm bệnh đều do ăn uống”. Nếu chỉ lơ là, tặc lưỡi, xuê xoa với bất kỳ một hành vi vi phạm an toàn thực phẩm nào – dù là nhỏ, cũng sẽ dễ ảnh hưởng tới sức khỏe, thậm chí tính mạng của chính mình và người thân.

Mời nghe nội dung bài viết tại đây: