Trước Tết nguyên đán, khi còn đi làm ở tỉnh Bình Dương chị H'Phú Kcăm bị ho kéo dài nhưng không đi khám chỉ ra hiệu thuốc mua kháng sinh về uống. Đến Tết chị về quê ở xã Yang Tao huyện Lắc, tỉnh Đắk Lắk sau đó không còn đủ sức để quay trở lại Bình dương làm việc. Chị được người nhà đưa đến bệnh viện huyện rồi chuyển sang Bệnh viện Phổi tỉnh Đắk Lắk và được chẩn đoán mắc lao.

Điều trị được gần 1 tháng nhưng sức khỏe chị Kcăm vẫn rất yếu, chưa thể tự đi lại, cân nặng chỉ còn 22kg. Nói chuyện với chúng tôi chị H'Phú Kcăm luôn bị hụt hơi vì những cơn ho, khó thở. Gần 1 tháng qua mẹ chị phải tạm gác lại việc nhà để ở đây chăm con.

Ở Bệnh viện Phổi Đắk Lắk, phần lớn bệnh nhân đang điều trị đều có các triệu chứng ho kéo dài nhưng không nghĩ đến bệnh lao để đi khám sớm, khi phát hiện tổn thương đã lan rộng, gây khó khăn cho công tác điều trị.

Còn tại xã Ea-Yiêng, huyện Krông-Pắc chúng tôi gặp chị Phôi, 36 tuổi người dân tộc Xê Đăng. Tháng 10 năm ngoái chị bị ho nhiều, khó thở và sốt về chiều. Đến trạm y tế khám chị được bác sĩ động viên nên làm xét nghiệm lao. Kết quả chị mắc lao và 4 đứa/6 đứa con của chị cũng được phát hiện mắc lao tiềm ẩn do thường xuyên tiếp xúc với nguồn lây từ mẹ. Chị Phôi bảo rằng chị sợ bệnh lao lắm vì ngày xưa bố mẹ cũng bị lao, bị ho ra máu nên chị cố gắng uống thuốc đầy đủ theo hướng dẫn của bác sĩ, nhưng trong căn nhà chỉ có duy nhất 1 chiếc giường, các con lại còn nhỏ nên việc dành một không gian riêng để cách ly là điều không thể.

"Từ khi ở bệnh viện về cũng ăn riêng, lúc đi ngủ đeo khẩu trang nhưng các con không sợ cứ ở gần mẹ"- chị Phôi nói.

Bác sĩ Trần Minh Cảnh, trạm trưởng trạm y tế xã Ea-Yiêng cho biết, Ea-Yiêng là xã vùng 3 của huyện Krông-Pắc. Năm 2023, thông qua chương trình khám sàng lọc bệnh lao tại cộng đồng do Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến Phát triển cộng đồng (SCDI) và Bệnh viện Phổi Đắk Lắk tổ chức, Ea-Yiêng phát hiện 18 ca mắc lao và là xã có nhiều bệnh nhân lao nhất ở huyện Krông-Pắc. Theo BS Cảnh, điều kiện môi trường sống chưa đảm bảo là nguyên nhân khiến tỷ lệ mắc lao ở Ea-Yiêng cao, nhưng còn một nguyên nhân nữa là nhận thức của người dân về bệnh lao còn nhiều hạn chế.

"Bệnh nhân đến khám có triệu chứng về bệnh lao như ho, sụt cân… trạm vận động nhiều lần họ đi xét nghiệm nhưng có ít người đi thôi nên tỷ lệ lây trong cộng đồng nhiều"- bác sĩ Trần Minh Cảnh cho biết.

Còn theo BS Nguyễn Quý, phụ trách chương trình lao ở Trung tâm y tế huyện Krông-Pắc, không chỉ người dân ở xã Ea-Yiêng mà ở một số xã khác cũng vậy, khi được vận động đi xét nghiệm lao đều ngần ngại. Để làm tốt công tác sàng lọc, phát hiện sớm bệnh nhân lao bác sĩ Nguyễn Quý cho rằng, cần tăng cường truyền thông để nâng cao hiểu biết của người dân về bệnh lao, tổ chức các đợt khám sàng lọc trong cộng đồng, tuy nhiên hiện nay nguồn kinh phí cho chương trình chống lao không đủ để triển khai các hoạt động này. Bác sĩ Nguyễn Quý cho biết: "ngày trước kinh phí từ trung ương chuyển về thì còn có để hoạt động, nhưng từ khi chuyển kinh phí về địa phương, nhất là Uỷ ban huyện thì càng xin càng không có. Chương trình chống lao đã làm tờ trình nhưng không được phê duyệt...".

Vì kinh phí Nhà nước cấp cho chương trình chống lao không có nên trong thời gian qua các hoạt động - nếu có được triển khai đều dựa vào sự hỗ trợ từ các nguồn khác, chính vì vậy không thể tổ chức định kỳ, thường xuyên. Y tế thôn buôn - những người gần dân nhất, có thể phát hiện sớm nhất những trường hợp nghi lao hàng tháng hiện cũng không có phụ cấp bồi dưỡng. Bác sĩ Nguyễn Quý cho rằng đó là những trở ngại đối với công tác phòng chống lao trên địa bàn.

Chia sẻ thêm về những khó khăn hiện nay, TS.BS Châu Đương, Giám đốc Bệnh viện Phổi Đắk Lắk cho biết, hiện nay nguồn lực phòng, chống lao so với trước đây đã tốt hơn, hàng năm tỉnh đều cấp kinh phí cho chương trình hoạt động, tuy nhiên cấp rất chậm, "có năm đến 14 tháng 12 kinh phí mới về nhưng 31/12 phải chốt sổ, cho nên hầu như không triển khai được. Năm 2024 này, ngay từ đầu năm kinh phí chương trình mục tiêu đã được phê duyệt, tuy nhiên không nhiều, chắc chỉ đủ cho công tác kiểm tra, giám sát tập huấn, đào tạo, truyền thông còn dành cho công tác sàng lọc rất hạn chế" - TS.BS Châu Đương thông tin.

Ngoài ra vấn đề quan trọng nữa là nguồn lực làm công tác phòng chống lao. Theo TS.BS Châu Đương, hiện nay đối với tuyến huyện cán bộ chuyên trách lao chủ yếu được đào tạo ngắn hạn nên năng lực chẩn đoán còn có những hạn chế nhất định. Cán bộ chuyên trách lao các huyện lại thường xuyên thay đổi, ảnh hưởng đến công tác giám sát, phát hiện và điều trị kịp thời cho người bệnh để hạn chế nguồn lây ra cộng đồng - trong khi đó đây lại là những hoạt động then chốt để thực hiện mục tiêu loại trừ bệnh lao trong cộng đồng.

Xin mời nghe bài viết tại đây: