Bác sĩ Nguyễn Tuấn Hải, Trưởng khoa C6, Viện Tim mạch quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tăng huyết áp vốn được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng” bởi bệnh thường tiến triển âm thầm cho đến khi người bệnh gặp các biến cố nghiêm trọng về sức khỏe như đột quỵ, nhồi máu cơ tim cấp, mờ mắt… Để phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp, bác sĩ Nguyễn Tuấn Hải khuyên mọi người hãy lắng nghe cơ thể và cần theo dõi các chỉ số huyết áp, nhịp tim, đường máu… Nếu đo tại nhà, chỉ số huyết áp lớn hơn hoặc bằng 135/80 mmHg hay đo tại cơ sở y tế là 140/90mmHg thì được chẩn đoán là tăng huyết áp.
Khi bị tăng huyết áp, nhiều bệnh nhân tự điều trị bằng cách tự mua thuốc theo đơn của người thân, bạn bè hoặc đi hỏi nhân viên nhà thuốc. Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Tuấn Hải, điều này tuyệt đối không nên vì việc điều trị tăng huyết áp không đơn giản là “đói ăn rau, đau uống thuốc”.
Người bệnh tăng huyết áp hay bị ám ảnh bởi chỉ số huyết áp và nghĩ rằng huyết áp càng cao, bệnh càng nặng. Thực tế không hẳn như vậy. Điều trị tăng huyết áp không chỉ dựa vào số đo huyết áp mà bác sĩ phải đánh giá huyết áp cao đã gây ra hậu quả gì với người bệnh chưa; đồng thời cân nhắc các yếu tố như tuổi, giới, tiền sử bệnh lý của cá nhân và gia đình, các yếu tố nguy cơ tim mạch khác, lối sống, các bệnh đồng mắc… Bên cạnh đó, bác sĩ còn tư vấn cho người bệnh về cách dùng thuốc, hướng dẫn phát hiện tác dụng phụ của thuốc nếu có cũng như hướng dẫn chế độ ăn giảm mặn, chế độ vận động, sinh hoạt hợp lý…
“Như vậy, trước khi sử dụng thuốc, bệnh nhân cần đi khám chuyên khoa tim mạch để có phương án quản lý và điều trị huyết áp hợp lý nhất", BS Nguyễn Tuấn Hải đưa ra lời khuyên.
Mục tiêu của điều trị tăng huyết áp là ngăn chặn các biến chứng của huyết áp cao lên các cơ quan đích như mắt, tim, não, mạch máu, thận. Vì vậy, việc điều trị huyết áp cần đạt hai yêu cầu là: đạt được huyết áp mục tiêu (dưới 130/80mmHg) và giảm tối đa nguy cơ tổn thương đích.
Do đó, khi sử dụng thuốc tăng huyết áp, bệnh nhân nên dùng thuốc đều, duy trì liên tục. Thực tế, bệnh nhân tăng huyết áp thường được các bác sĩ điều trị hướng dẫn hàng ngày nên uống thuốc vào một giờ nhất định. Ý nghĩa của lời khuyên này là nhắc nhở người bệnh về sự tuân thủ điều trị.
Liên quan vấn đề thời điểm uống thuốc, nhiều bệnh nhân thường thắc mắc nếu quên uống thuốc vào giờ cố định thì nên uống ngay khi nhớ ra hay để hôm sau mới uống và nên dùng thuốc huyết áp vào buổi sáng hay buổi tối? Giải đáp các câu hỏi này, bác sĩ Nguyễn Tuấn Hải cho biết, hầu hết các thuốc điều trị huyết áp đều có tác dụng hạ huyết áp từ từ và kéo dài. Vì vậy nếu quên thì có thể uống vào bất kỳ thời điểm nào mà người bệnh nhớ ra. Người bệnh có thể dùng thuốc huyết áp thường xuyên vào thời điểm thuận tiện trong ngày để giảm thiểu các tác dụng không mong muốn. Dùng thuốc huyết áp vào buổi sáng hay buổi tối thì đều đảm bảo hiệu quả như nhau.
Nhiều bệnh nhân tăng huyết áp sau khi được bác sĩ kê đơn, do tâm lý ngại đi khám bệnh nên cứ thế uống thuốc và yên tâm rằng huyết áp đã được kiểm soát mà không tái khám theo lời hẹn của thầy thuốc. Tuy nhiên, BS Nguyễn Tuấn Hải khuyên người bệnh nên tái khám ít nhất một lần sau làn khám đầu tiên và hỏi bác sĩ về kế hoạch điều trị lâu dài. Nếu huyết áp ổn định, đạt được mục tiêu điều trị thì người bệnh có thể sử dụng lâu dài đơn thuốc cũ.
Bác sĩ Nguyễn Tuấn Hải khuyến cáo, người bệnh nên tuân thủ điều trị và tuyệt đối không tự ý ngừng thuốc, bỏ thuốc, thay đổi thuốc hoặc tự tăng/ giảm liều thuốc. Bởi hơn 90% bệnh nhân tăng huyết áp nguyên phát, tức là không tìm được căn nguyên, chỉ có thể ổn định huyết áp nếu dùng thuốc thường xuyên phối hợp với kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ góp phần gây tăng huyết áp. Nếu bệnh nhân ngừng sử dụng thuốc, chỉ số huyết áp có thể tăng vọt lên, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Trong trường hợp bệnh nhân đang sử dụng thuốc mà huyết áp đột ngột tăng cao (nhất là trên 180/110mmHg) thì cũng không nên tự ý uống thêm thuốc. Khi đó, người bệnh cũng như gia đình cần theo dõi và phát hiện ngay những triệu chứng bất thường như: đau thắt ngực, đau đầu, khó thở, nhìn mờ, rối loạn tiểu tiện, buồn nôn, nôn ói, lơ mơ, co giật… Đây là những dấu hiệu của cơn huyết áp ác tính, cần phải nhập viện cấp cứu để tránh tai biến đáng tiếc.