Mỗi năm Việt Nam có thêm 8.000 người bị bệnh thận. Hiện cả nước có hàng triệu người suy thận các mức độ và khoảng 26.000 người phải chạy thận nhân tạo.

Suy thận không có triệu chứng rõ ràng và không biểu hiện cho đến khi thận xuất hiện những tổn thương nặng nề. Những triệu chứng xuất hiện ở giai đoạn bệnh diễn biến nặng thiếu máu, da xanh xao, niêm mạc nhợt, hoa mắt chóng mặt. Suy thận càng nặng bệnh nhân sẽ càng mệt mỏi, ăn kém đồng thời giảm các hoạt động thường ngày.

Ngoài ra, tăng huyết áp là triệu chứng phổ biến nhất gây ra bệnh thận mạn. Người bệnh cũng có thể gặp các dấu hiệu về tim mạch do ure máu cao gây viêm ngoài màng tim, các dấu hiệu thần kinh cơ như cảm giác dị cảm, kiến bò, bỏng rát trên da, chuột rút, dấu hiệu đau nhức xương khớp, loãng xương, viêm xương thường gặp trong giai đoạn cuối của bệnh. Khi thực hiện xét nghiệm thấy canxi máu tăng, chụp X-quang thấy hình ảnh loãng xương. Nếu người bệnh xuất hiện các triệu buồn nôn, chán ăn sau đó có thể xuất hiện những triệu chứng nặng hơn như tiêu chảy, loét miệng, loét đường tiêu hóa, xuất huyết… hay phù tay chân thì cũng có thể đang mắc bệnh thận mạn.

Ths-BSCKII Nguyễn Đăng Quốc - Trưởng khoa Thận nhân tạo - Bệnh viện Thanh Nhàn - Thành phố Hà Nội cũng đã gặp rất nhiều trường hợp người bệnh đến bệnh viện thăm khám khi bệnh đã nặng.

“Các bệnh nhân khi đến với chúng tôi thì mức độ bệnh đã ở giai đoạn rất nghiêm trọng, các triệu chứng đã rõ ràng, khi đó bệnh nhân thường phải cấp cứu ngay lập tức và xử trí bằng lọc máu”- BS Quốc nói.

Suy thận – bệnh thận mạn thường được chia thành 5 giai đoạn, dựa vào các xét nghiệm và thăm khám lâm sàng đối với người bệnh, các bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán chính xác và căn cứ vào mức độ bệnh sẽ tương ứng với các phương pháp điều trị khác nhau.

“Theo các nghiên cứu, nguyên nhân gây suy thận mạn thường do bệnh về cầu thận và các bệnh lý liên quan đến chuyển hóa, đặc biệt là các bệnh lý về đái tháo đường, cũng như tăng huyết áp gây ra tổn thương thận dẫn đến suy thận chiếm một tỷ lệ khá lớn và một phần nhỏ là bệnh lý viêm cầu thận mạn. Và khi suy thận có liên quan đến các bệnh lý chuyển hóa cũng có nghĩa là liên quan đến lối sống và sinh hoạt của người bệnh, ví dụ như chế độ ăn nhiều đường, nhiều muối, uống bia, rượu, hút thuốc lá nhiều và ít vận động” – BS Nguyễn Đăng Quốc nhấn mạnh.

Khi mắc bệnh thận mạn, người bệnh nên tuân thủ theo phác đồ điều trị chuyên khoa, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt và vận động theo tư vấn của các bác sĩ. BS Nguyễn Đăng Quốc khuyên người bệnh tránh tự ý sử dụng thuốc nam để trị bệnh. Tất cả các chất độc của cơ thể chủ yếu đào thải qua thận, trong khi đó, người bệnh lại không rõ các thành phần trong đó, thậm chí trong thuốc nam còn chứa những loại chống chỉ định đối với bệnh nhân suy thận, do đó, khi sử dụng mà không biết rõ loại thuốc mình dùng sẽ gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến thận.

“Thực tế, các bệnh nhân của chúng tôi có những người khi đã bị suy thận mạn nhưng lại không dùng thuốc điều trị của bác sĩ chuyên khoa nhưng lại truyền tai nhau sử dụng những loại thuốc không rõ nguồn gốc sau đó, bệnh nhân nhanh tiến triển đến giai đoạn cuối và không thể hồi phục được nữa, khi đó sẽ phải nhờ đến các phương pháp điều trị thay thế như lọc máu hoặc thay ghép thận”- BS Quốc cảnh báo.

Để phòng ngừa suy thận mạn, chuyên gia y tế khuyến cáo:

- Do bệnh suy thận mạn tiến triển âm thầm, không có triệu chứng. Do đó, cần phải phát hiện bệnh sớm ở những đối tượng có nguy cơ cao như tăng huyết áp, người mắc tiểu đường và gia đình có tiền sử người mắc bệnh thận.

- Nên thực hiện thăm khám định kỳ, xét nghiệm tầm soát hàng năm và có phương pháp điều trị tích cực sớm để tránh bệnh diễn biến nặng đến giai đoạn cuối.

- Uống thuốc đúng theo hướng dẫn, thực hiện đúng theo chỉ định trên bao bì.

- Duy trì cân nặng phù hợp kết hợp với các hoạt động thể chất tăng cường sức khỏe.

- Không hút thuốc vì chất độc từ thuốc lá có thể làm hỏng thận khiến cho tình trạng bệnh ngày càng trầm trọng.

- Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, tăng cường bổ sung rau, trái cây, uống nước đầy đủ và hạn chế thực phẩm chứa nhiều muối, đường, dầu mỡ…

Mời nghe tư vấn của bác sĩ Nguyễn Đăng Quốc về bệnh suy thận mạn tại đây: