Tuyến giáp là cơ quan sản xuất ra các hormone trong cơ thể giúp cân bằng hoạt động của cơ thể bạn. Theo nghiên cứu thì tuyến giáp góp 60% vào quá trình trao đổi chất của cơ thể.
Có 3 nguyên nhân chính buộc phải phẫu thuật tuyến giáp đó là ung thư tuyến giáp, thứ 2 là có khối u lành tính của tuyến giáp và phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp ở những bệnh nhân cường giáp.
Ths.BS Phạm Như Quỳnh, Bệnh viện Đông Đô, Hà Nội cho biết: nếu như tuyến giáp bị cắt bỏ thì quá trình trao đổi chất sẽ bị gián đoạn, cơ thể không sản xuất ra hormone tuyến giáp được nữa. Hệ quả là người bệnh sẽ bị tăng cân sau phẫu thuật cắt tuyến giáp.
"Sau phẫu thuật tuyến giáp nhiều bệnh nhân rơi vào tình trạng tăng cân không kiểm soát. Nguyên nhân là do sau phẫu thuật, cơ thể bệnh nhân đang thừa hoặc thiếu hormone tuyến giáp, mà chủ yếu liên quan đến hormone T3"- BS Quỳnh nói.
Làm sao để khắc phục tình trạng này? Việc đầu tiên là tuân thủ chỉ định sử dụng hormone tuyến giáp của nhân viên y tế. Nhiều bệnh nhân có xu hướng quên uống hormone tuyến giáp hàng ngày. Bạn không nên mắc phải sai lầm này, làm theo hướng dẫn của bác sĩ và không tự ý thay đổi liều lượng sử dụng hormone. Không có quy tắc hay hướng dẫn chung để kê đơn cho bệnh nhân vì bác sĩ chỉ định liều lượng phù hợp với từng bệnh nhân dựa trên nhiều yếu tố.
"Thời gian đầu sau phẫu thuật cắt tuyến giáp, các BS thường có thời gian gọi là “dò liều” hormone, khi đó BS sẽ tìm được một liều lượng hormone cần thiết bổ sung cho cơ thể. Mỗi cơ thể một nhu cầu, một đáp ứng, đó là lý do vì sao các bệnh nhân tuyến giáp cần tái khám sau 3-6 tháng để thực hiện các xét nghiệm máu, đo nồng độ hormone" - BS Quỳnh cho biết.
Thực phẩm bạn ăn hằng ngày có giải quyết tình trạng này hay không? Theo BS Phạm Như Quỳnh: Cố gắng loại bỏ thực phẩm chế biến sẵn khỏi thực đơn, đồ ăn nhanh hay bất cứ thứ gì nhiều calo mà hàm lượng dinh dưỡng thấp. Tăng cường bổ sung nguồn đạm từ thực vật. Ngoài ra còn một lưu ý nữa đối với nhóm bệnh này, đó là: "bệnh nhân sau phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp nên hạn chế ăn sau 20h. Các chất bột đường cũng cần hạn chế. Trong trường hợp hormone của chúng ta ổn hoặc cường giáp nhẹ thì nên hạn chế thức ăn giàu i-ốt như muối i-ốt, các loại hải sản "- BS Quỳnh khuyến cáo.
Cần có thời gian để cơ thể của bạn thích nghi với việc thiếu đi một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp. Bạn có thể đối mặt với vấn đề tăng cân sau phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp. Vì vậy, cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ và cân bằng chế độ dinh dưỡng để luôn duy trì được cân nặng hợp lý.