Theo Cục Thú y, Việt Nam đã chi khoảng 1,4 tỉ USD để nhập khẩu hơn 600.000 tấn thịt các loại. Đó là con đường chính ngạch. Còn số lượng thịt nhập lậu theo báo cáo của Bộ NN&PTNT có thể lên tới hàng chục triệu con gia cầm, quả trứng lậu, chưa kể lượng trâu, bò, heo sống nhập lậu ồ ạt về Việt Nam.

Thông tin từ C05 (Bộ Công an) cho biết tình trạng nhập lậu động vật và sản phẩm động vật qua biên giới diễn biến phức tạp. Qua trinh sát ở 20 tỉnh biên giới mới đây, cơ quan này phát hiện có tình trạng nhập lậu rất nhiều gà Thái Lan, Hàn Quốc.

Ví dụ như ở Thái Lan, giá thành gà đẻ thải loại chỉ 20.000 đồng/con, gà này tiêm quá nhiều hormone, độc hại nên các nước không dùng làm thực phẩm cho người nhưng rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp Việt nhập gà thải loại này về bán với giá từ 40.000 đến 60.000 đồng/con.

Tương tự, thịt lợn cũng vậy, như ở Thái Lan chỉ 37.000 đồng/kg, về đến Bình Phước và Quảng Trị là 42.000 đồng/kg, trong khi lợn hơi trong nước 50.000 đồng/kg.

"Giải mã" thịt giá rẻ ngập tràn chợ mạng, đã có những ý kiến cho rằng thịt giá rẻ này chính là bò Sal - loại bò được nuôi bằng Salbutamol – một loại chất cấm trong chăn nuôi, để tăng trọng và tạo nạc. Ông Lê Đình Huệ - Chị cục trường Chi cục Thú y vùng 3 cũng cho rằng: không loại trừ nhập lậu liên quan đến việc né kiểm dịch dịch bệnh hay sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Việc này ảnh hưởng đến kinh tế, ngành chăn nuôi và sức khỏe người tiêu dùng.

Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho biết: gà thải loại vốn dĩ sẽ được nghiền ra để làm phân bón hoặc là thức ăn cho gia súc ở nước sở tại. Nhưng do nhu cầu người tiêu dùng thích giá rẻ, nó đã được nhập về Việt Nam để làm thực phẩm.

Ông cũng cảnh báo thêm là hiện còn có bò sữa thải loại được vỗ béo rồi bán sang Việt Nam. Và không có cách nào phân biệt được loại bò này với bò thông thường.

Việc chi hàng nghìn tỷ đồng để nhập khẩu thịt không cẩn thận có thể sẽ biến nước ta thành quốc gia nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi và việc không kiểm soát được thịt nhập lậu, Việt Nam cũng nguy cơ trở thành “bãi rác” nông nghiệp.

Việc ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng là điều tất yếu. Nhưng vấn đề đặt ra là tại sao tình trạng này kéo dài nhiều năm nhưng vẫn chưa có biện pháp xử lý.

“Chúng ta mới chỉ ngăn chặn bằng phạt hành chính, tiêu hủy thì chưa đủ mạnh, trong khi khi việc này liên quan đến sức khỏe con người, dịch bệnh trên đàn gia súc. Phải nhìn lại quản lý chứ không phải lỗi của doanh nghiệp”, ông Hoàng Trọng Thủy nêu.

Vì vậy, theo ông cần thiết phải có chính sách thương mại hạn chế nhập các loại thịt, nhất là các sản phẩm thịt kém chất lượng, thải loại, kiểm tra kỹ hồ sơ truy xuất nguồn gốc. Còn với con đường nhập lậu thì vấn để xử phạt là đặc biệt quan trọng.

Nghe bài viết tại đây: