Chị Trần Thanh Chung, ở Gia Lâm, Hà Nội có 2 con gái. Lúc con gái lớn 10 tuổi, chị đã cho con tiêm vaccine phòng ung thư cổ tử cung.

Nhận thức được sự quan trọng của mũi tiêm này nên chị cũng chờ con gái thứ 2 đủ tuổi để thực hiện. Và khi nghe tin vaccine phòng ung thư cổ tử cung sẽ được đưa vào chương trình tiêm chủng miễn phí cho toàn dân, chị thực sự vui mừng:

“Nước ta có nhiều người mắc bệnh ung thư cổ tử cung và tử vong nên khi Chính phủ đưa vaccine vào Chương trình tiêm chủng mở rộng thì tôi rất là vui. Vì hiện nay kinh phí cho mũi tiêm này tương đối cao, nếu được miễn phí thì không còn gì bằng”, chị Chung chia sẻ.

TS.BS Nguyễn Cảnh Chương – Giám đốc Trung tâm đào tạo và Chỉ đạo tuyến – BV Phụ sản Hà Nội, còn cho rằng việc đưa vaccine ngừa ung thư cổ tử cung vào Chương trình tiêm chủng mở rộng là bước tiến quan trọng. Vì hiện tỷ lệ tử vong do ung thư cổ tử cung rất cao, trên 50%. Nếu việc tiêm phòng được triển khai sẽ giảm thiểu được ca mắc ung thư cổ tử cung, đồng thời giảm gánh nặng sàng lọc cho cộng đồng.

Bác sỹ Chương cho biết: vaccine ngừa ung thư cổ tử cung hay còn gọi là là vaccine ngăn ngừa nhiễm HPV, một loại virus gây ra 90% trường hợp ung thư cổ tử cung.

“Khoảng 70-80% phụ nữ nhiễm HPV. Virus này tồn tại thời gian lâu trong cơ thể người phụ nữ. Nó có thể phát triển thành ung thư phụ thộc vào chủng virus và tình trạng miễn dịch của người đó”, bác sỹ Nguyễn Cảnh Chương phân tích.

Vì thế việc tiêm phòng vaccine là cách để chủ động ngăn ngừa căn bệnh nguy hiểm này. Hiện có 3 loại vaccine ngừa ung thư cổ tử cung chính, đó là: vaccine nhị giá, có kháng nguyên HPV type 16 và 18 – hai chủng là nguyên nhân gây ra 80% trường hợp ung thư cổ tử cung.

Ngoài ra, vaccine tứ giá có thêm kháng nguyên HPV type 6 và 11. Đây là hai chủng virus ít gây bệnh ung thư cổ tử cung nhưng lại gây ra những tổn thương khác như là bệnh lý sùi mào gà.

Và mới nhất phải kể đến là vaccine cửu giá, có thêm thành phân kháng nguyên chống lại 9 chủng HPV khác nhau. Người ta nghiên cứu là người nào mắc đa virus HPV sẽ có nguy cơ cao ung thư cổ tử cung vì thế loại vaccine cửu giá được cho là tốt hơn cả.

Bác sỹ Nguyễn Cảnh Chương khuyến cáo: vaccine ngừa ung thư cổ tử cung cần phải tiêm cho toàn dân, trước hết là trẻ em gái. Lứa tuổi tốt nhất để tiêm là từ 11 đến 13 tuổi. Mỗi trẻ em gái cần tiêm 2 mũi, cách nhau 1 tháng. Trong trường hợp trẻ tiêm muộn hơn từ 15 tuổi thì cần tiêm 3 mũi với khoảng cách mũi 2 cách 1 tháng, mũi 3 cách 6 tháng.