Thông tin này vừa được ông Phạm Chánh Trung - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM - báo cáo tại Hội nghị hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về dân số năm 2022 với chủ đề "Nâng cao chất lượng dân số để góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững" và kỷ niệm Ngày dân số Việt Nam 26/12.
Bên cạnh các thành tựu đạt được, công tác dân số của cả nước đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức như mức sinh giữa các tỉnh, thành phố trong cả nước còn chênh lệch đáng kể; mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh; chỉ số phát triển con người (HDI), cùng với tầm vóc, thể lực của người Việt Nam chậm được cải thiện; chưa có giải pháp đồng bộ phát huy lợi thế của thời kỳ "dân số vàng" và thích ứng với việc "già hóa dân số".
Đặc biệt những năm gần đây, công tác khám chữa bệnh, quản lý và truyền thông kiến thức về chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi ở TP.HCM được tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Thông qua đó đã góp phần cải thiện tình trạng sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi.
Cụ thể năm 2021, tuổi thọ trung bình của người dân TP.HCM ghi nhận ở mức khá cao 76,2 tuổi, cao hơn so với cả nước là 73,6 tuổi. Tuy tuổi thọ bình quân tăng nhưng số năm trung bình sống khỏe mạnh chỉ đạt 64 tuổi.
Điều này theo đánh giá một phần xuất phát từ việc tiếp cận đầy đủ các dịch vụ tư vấn và chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi còn bị giới hạn nhất định, hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi chưa bắt kịp với tốc độ già hóa dân số ngày càng tăng tại TP.HCM.
Tại hội nghị, ông Phạm Chánh Trung một lần nữa cảnh báo về tổng tỷ suất sinh của TP.HCM hiện vẫn ở mức rất thấp so với mức sinh thay thế của cả nước (tổng tỷ suất sinh năm 2022 dự ước là 1,39 con/phụ nữ).
TP.HCM cũng là địa phương được xếp trong nhóm 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp. "Mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như làm cho quá trình già hóa dân số diễn ra nhanh hơn, thiếu hụt nguồn lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội..." - ông Trung nhấn mạnh.
Ngoài ra, về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đang được kiểm soát, tuy nhiên, theo ông Trung nếu không tiếp tục duy trì các giải pháp can thiệp hiệu quả thì tỷ suất giới tính khi sinh vẫn có thể tăng trở lại trong thời gian tới.