Chị Nguyễn Thị Mai, 52 tuổi ở Ba Vì, Hà Nội bị đau cột sống cách đây hơn 10 năm. Chị đã đi khám nhiều nơi, uống nhiều loại thuốc từ tây y đến đông y song những cơn đau vẫn không thuyên giảm, thậm chí ngày càng nặng hơn, ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày. “Gia đình làm nông nên vất vả, trước kia thường xuyên mang vác nặng nên bị đau cột sống. Về sau, cơn đau kéo dài xuống thắt lưng rồi xuống khớp gối, còn không nằm nghiêng được” – chị Nguyễn Thị Mai chia sẻ.
Biết thông tin một số người bị bệnh tương tự ở địa bàn nơi chị sinh sống đã can thiệp thành công Kỹ thuật chống đau can thiệp sử dụng sóng cao tần qua da ở Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội, chị liền đến khám và điều trị. Kết quả thật bất ngờ, chỉ qua 2 đợt can thiệp, vùng cột sống và khớp gối của chị đã không còn cảm giác đau nhức như trước.
Ưu điểm của Kỹ thuật chống đau can thiệp sử dụng sóng cao tần qua da như thế nào?
Khoảng 30% dân số bị các triệu chứng của đau mạn tính bao gồm đau thần kinh, vùng đầu mặt cổ và cơ xương khớp – Đó là kết quả một nghiên cứu dịch tễ về đau được thực hiện trên quần thể lớn dân số ở nước ta. Đau mạn tính là một vấn đề lớn của xã hội, nó ảnh hưởng đến khả năng lao động, chất lượng cuộc sống và gây những hậu quả tâm lý xã hội nặng nề cho bệnh nhân. Các phương pháp chống đau can thiệp nói riêng và điều trị đau phối hợp đa chuyên ngành đã phát triển mạnh mẽ trên thế giới tuy nhiên tại Việt Nam lĩnh vực này vẫn còn mới mẻ.
“Với những bệnh nhân thất bại trong điều trị bảo tồn, uống thuốc và phục hồi chức năng hay đông y thì sẽ cân nhắc bước tiếp theo là chống đau can thiệp. Đến cuối cùng mới là giải pháp phẫu thuật” – Ths. BS Phan Minh Trung – Phó Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình và phẫu thuật cột sống, BV Thanh Nhàn, Hà Nội cho biết.
Tại sao lại gọi là can thiệp? Bởi vì đây là biện pháp can thiệp ít xâm lấn. Để giải quyết bệnh lý đau mạn tính thì các bác sĩ phải chẩn đoán được nguyên nhân dựa vào lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh, nắm được sinh lý bệnh thần kinh và cơ chế đau, từ đó đưa ra phương án can thiệp hợp lý với từng cá thể. Dưới hướng dẫn của siêu âm hoặc màn XQ tăng sáng trong phòng mổ, các bác sĩ sẽ đưa qua da các kim hoặc đầu đốt đến các điểm đích giải phẫu chinh xác rồi sử dụng các biện pháp vật lý hay hoá học để tác động theo kế hoạch.
Theo Ths Phan Minh Trung – cũng là bác sĩ đã điều trị trực tiếp cho chị Mai, Kỹ thuật chống đau can thiệp sử dụng sóng cao tần qua da đã được áp dụng ở BV Thanh Nhàn từ năm 2015, trung bình đến nay mỗi ngày BV tiếp nhận 5-10 bệnh nhân được áp dụng kỹ thuật này và đạt hiệu quả tốt trong điều trị các chứng đau thần kinh, đau mạn tính do thoái hóa cơ xương khớp và cột sống. Đây cũng là phương pháp có nhiều ưu điểm như thời gian can thiệp nhanh, có hiệu quả tức thời ngay sau can thiệp, bệnh nhân có thể ra viện trong ngày và hầu như không có biến chứng và kết quả giảm đau có thể kéo dài 2-4 năm với phương pháp bất hoạt thần kinh mà bệnh nhân không cần phải dùng thuốc và tránh được các tác dụng phụ khi dùng thuốc kéo dài.
Các loại sóng cao tần được sử dụng trong can thiệp chống đau cho bệnh nhân.
Ths.BS Phan Minh Trung còn cho biết, hiện nay có 3 loại sóng cao tần để sử dụng trong can thiệp chống đau cho bệnh nhân. Mỗi một loại bệnh lý đau sẽ sử dụng loại sóng cao tần phù hợp:
- Loại sóng cao tần thứ nhất là CRF (Conventional radiofrequency). Đó là sóng cao tần nhiệt kinh điển, nhiệt độ đầu đốt có thể lên đến 80-90°C. Với nhiệt độ đó, sóng cao tần sẽ đóng vai trò bất hoạt tất cả các nhánh thần kinh cảm giác đúng vị trí mà mình cần đưa đến. Sau khi bất hoạt các nhánh thần kinh cảm giác đó, những tín hiệu về đau sẽ không gửi được về vỏ não. Ví dụ bạn đang đau khớp gối mạn tính, đau cột sống mạn tính do thoái hóa khớp chẳng hạn thì chỗ đau đó sẽ không phát tín hiệu đau được về vỏ não, bệnh nhân không cảm nhận thấy đau, vẫn duy trì cuộc sống sinh hoạt bình thường. Đó là cơ chế của chống đau do bất hoạt thần kinh.
- Loại sóng cao tần thứ 3 là Cooled RF (RF đầu đốt làm mát). Đó là chế độ dùng nước để điều hòa nhiệt ở đầu đốt, làm khống chế nhiệt độ ở đầu đốt, duy trì khoảng 60°C. Với nhiệt độ này vẫn đủ lượng nhiệt để làm bất hoạt thần kinh. RF đầu đốt làm mát có nhiều ưu thế hơn so với đốt nhiệt kinh điển: vùng tác động của nó không gây cháy, rộng hơn và biến chứng do bỏng tại chỗ của nó ít hơn.
- Loại thứ 3 là sóng cao tần Pulse radio frequency (PRF Sóng cao tần xung). Với cách xung ngắt quãng theo các nhà chế tạo thì nhiệt độ ở đầu đốt không quá 42°C, không gây tổn hại tổ chức thần kinh mà dùng tác dụng từ trường để tác động lên quá trình trao đổi điện hóa qua màng tế bào ở synap thần kinh dẫn đến tác dụng điều hòa và cắt đứt các vòng xoắn bệnh lý tạo cảm giác đau mạn tính.
Chỉ định của sóng cao tần qua da rất rộng rãi, có thể ứng dụng cho các loại đau mạn tính do thoái hoá khớp vai, khớp gối, khớp háng, cột sống, các loại đau thần kinh ngoại biên như đau dây 5, đau thần kinh liên sườn, trên bả…đau kiểu rễ thần kinh cột sống cổ, thắt lưng cùng, đau sau zona, các hội chứng đau phức hợp vùng…