Theo thống kê tại Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), tỷ lệ trẻ sinh non có xu hướng gia tăng qua các năm. Năm 2023, bệnh viện tiếp nhận và điều trị cho khoảng 6.000 trẻ sinh non, tăng 40% so với năm 2022 (khoảng 4.600 trẻ). Trong đó, trẻ sinh non dưới 34 tuần hơn 3.000 trẻ. Trẻ có số cân nặng nhẹ nhất chỉ từ 500 đến 600 gam.

Sinh non không chỉ gây nên nhiều biến chứng cho trẻ sơ sinh mà còn là gánh nặng về kinh tế. Ngoài ra, trẻ sinh non còn đối diện với các bệnh lý nghiêm trọng như hội chứng suy hô hấp, viêm ruột hoại tử, nhiễm trùng huyết, bệnh não thiếu oxy, các vấn đề về thị giác và thính giác...

Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam có khoảng 100.000 đến 115.000 trẻ sinh non ra đời. Sinh non là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi.

Nguyên nhân sinh non chủ yếu là do đa thai

Có nhiều nguyên nhân khiến tỷ lệ sinh non gia tăng. Theo Ths.BS Phan Chí Thành, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, việc ngày càng phổ biến các biện pháp hỗ trợ sinh sản như IUI, IVF, kỹ thuật kích thích buồng trứng đã khiến gia tăng số trẻ sinh non.

“Bình thường người phụ nữ 1 tháng chỉ có 1 quả trứng chín và rụng để mang 1 thai. Nhưng nhờ hỗ trợ sinh sản, chị em có thể mang từ 2-3 thai một lúc. Khi mang 2 thai nguy cơ sinh non tăng gấp 8 đến 10 lần so với thông thường, còn mang 3 thai thì vấn đề đẻ non chắc chắn xảy ra, vấn đề là giữ được đến tuần thứ bao nhiêu mà thôi”, bác sỹ Phan Chí Thành phân tích.

Nguyên nhân lớn nhất của sinh non là đa thai, vì thế, các bác sỹ hỗ trợ sinh sản hiện rất khắt khe trong việc kích thích buồng trứng. Nếu làm kỹ thuật bơm tinh trùng vào buồng tử cung thì tối đa từ 1- 3 trứng, khi mà 3 trứng cùng rụng 1 lúc thì bác sỹ sẽ cần hủy chu kỳ đó để đảm bảo cho quá trình mang thai.

Còn với kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm IVF, bác sỹ Phan Chí Thành cũng đánh giá: chuyển 1 phôi cho 1 lần là điều quan trọng vì nếu chúng ta chuyển nhiều phôi thì nguy cơ song thai, đa thai là rất cao.

“Thành công của bác sỹ hỗ trợ sinh sản là để chị em mang thai được nhưng mục tiêu của chúng ta không phải chỉ là mang bầu mà còn là người mẹ được bế con trên tay khỏe mạnh. Do đó, hiện nay các trung tâm hỗ trợ sinh sản nên chuyển 1 phôi để hỗ trợ dự phòng sinh non”, bác sỹ Thành nhấn mạnh.

Ngoài các yếu tố đa thai, một vấn đề “thời sự” khác của mẹ bầu hiện nay là tiểu đường thai nghén. Ở các thành phố lớn, ước tính cứ 3 phụ nữ mang thai lại có 1 người bị tiểu đường. Tiểu đường làm thai to, dư ối và khiến tải trọng tử cung không chịu được áp lực và gây ra sinh non.

“Tiểu đường thai kỳ gây ra chậm phát triển phổi ở thai nhi, có những trẻ sinh ra ở tuần thứ 37 mà còn phải hỗ trợ trưởng thành phối huống chi đẻ non nữa thì vấn đề ở phổi còn nghiêm trọng hơn”, bác sỹ Thành cảnh báo.

Thừa cân, béo phì và không tập thể dục cũng là nguyên nhân tăng nguy cơ sinh non. Nhiều mẹ bầu nghĩ rằng nằm im một chỗ là giữ thai nhưng ngược lại điều này lại gây nhiều biến chứng như tắc mạch hoặc rối loạn chuyển hóa. Vì thế, thai phụ cần chia giai đoạn trong tập luyện.

“Cổ tử cung cũng là hệ thông cơ cần được tập luyện để săn chắc, khi đó nó như là cái khóa để giữ dự phòng sinh non. Thai phụ cần phải tập thể dục một cách nghiêm túc, còn khi nào cổ tử cung ngắn thì tạm thời dừng lại. Nhưng chỉ là “tạm thời” bởi nhiều trường hợp cổ tử cung sẽ dài trở lại và lúc đó thì việc tập thể dục cần được tiếp tục”, bác sỹ Phan Chí Thành đưa ra lời khuyên.

Thay đổi suy nghĩ “làm một lần được hai, đẻ một lần là xong”

Trước thực tế nhiều trường hợp sinh non ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của trẻ, tạo ra những gánh nặng cho gia đình và cả hệ thống y tế, bác sỹ Phan Chí Thành cho biết, điều đầu tiên là các chị em hiếm muộn cần loại bỏ tư tưởng “làm một lần được hai, đẻ một lần là xong”.

“Điều đó là không đúng. Đẻ 1 lần nhưng mang song thai thì vất vả gấp 4-5 lần. Các chị em hiếm muộn cần phải ủng hộ việc mang đơn thai để không tạo áp lực cho bác sỹ. Vì nhiều trường hợp chính bệnh nhân đề nghị bác sỹ chuyển nhiều phôi”, bác sỹ Thành chia sẻ.

Ngoài ra một tâm lý nữa cần thay đổi đó là không được mong con to. Nhiều gia đình cứ lo là mẹ bầu thiếu chất, bổ sung rất nhiều dinh dưỡng, thực phẩm chức năng, sữa… dẫn đến dư thừa và tiểu đường thai nghén.

Cùng với đó là vấn đề mang thai ngoài ý muốn, mang thai ở tuổi vị thành niên cũng cần được kiểm soát vì đây cũng là nguyên nhân khiến trẻ sinh non vì thiếu dinh dưỡng.

Không hút thuốc lá, kể cả thuốc lá điện tử, tránh đồ uống có cồn, kể cả bia vì đồ uống có cồn được khẳng định là tăng nguy cơ dị tật cho thai nhi.

Việc sàng lọc viêm nhiễm phụ khoa cũng là cách để dự phòng sinh non. Bắt đầu từ tuần thai thứ 16 thai phụ cần được thăm khám kỹ càng, nếu cổ tử cung có vấn đề thì cần tuân thủ tuyệt đối chỉ định của bác sỹ.

Mời nghe bài viết tại đây: