"Để đáp ứng được yêu cầu của tình nguyện viên thì sức khỏe phải tốt. Thời gian rảnh của tình nguyện viên cũng phải nhiều để tham gia các kíp thi đấu khác nhau. Còn về tiếng Anh thì tùy từng người. Những người không biết tiếng Anh thì ngồi trong khán đài cổ vũ, cổ động còn những người biết tiếng Anh thì sẽ ra các cổng để đón khách. Em cảm thấy không có khó khăn gì vì đối với sinh viên tình nguyện thì không có việc gì là khó khăn cả. Thuận lợi là cũng được đoàn hỗ trợ ăn uống đầy đủ", Nguyễn Hữu Lực, sinh viên khoa Tự động hóa, trường Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ:
Những người biết ngoại ngữ thì thường được giao nhiều việc hơn và tầm hoạt động cũng rộng hơn. Bạn Phạm Tài Nam, sinh viên khoa Chính trị quốc tế và Ngoại giao thuộc Học viện Ngoại bày tỏ: "Bên cạnh công việc hoạt náo viên cũng như cổ động, cổ vũ cho các VĐV thì chúng em còn có các công việc như là hỗ trợ khách đến tham quan thi đấu. Đôi khi có những vị khách muốn nhờ bọn em chụp ảnh lưu niệm thì bọn em cũng rất sẵn lòng hỗ trợ mọi người. Biết được một hoặc nhiều ngoại ngữ cũng sẽ mang đến cho mình nhiều cái thuận lợi. Đặc biệt là ở những cuộc thi quốc tế như thế này, việc biết ngoại ngữ mang đến cho mình lợi thế hơn".
Ngoài những tiêu chí mà ban tổ chức đưa ra, mỗi tình nguyện viên còn tự tìm hiểu để nâng cao kiến thức về sự kiện, lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch để áp dụng vào công việc; qua đó góp phần quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Bạn Phạm Thị Mai Lương, sinh viên trường đại học Mở Hà Nội cho biết: "Em cảm thấy rất háo hức và xúc động khi mình được tham gia vào một sự kiện lớn, mang tầm cỡ quốc tế như thế này. Em cũng cảm thấy tự hào khi mình có thể đóng góp một phần công sức nhỏ vào trong sự kiện. Em nghĩ thì để làm một tình nguyện viên, mình cần có một sức khỏe tốt, trang bị cho mình kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ngoại ngữ để có thể chia sẻ tới bạn bè quốc tế những nét đẹp của Việt Nam".
Ngoài việc tiếp đón, hướng dẫn, cổ động, các tình nguyện viên còn tham gia vào công việc dọn dẹp vệ sinh, làm sạch đẹp các địa điểm thi đấu, tạo cảm giác thoải mái và thích mắt cho người hâm mộ, cổ động viên khi đến theo dõi các trận đấu. Bạn Bùi Phương Anh, sinh viên trường đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ: "Bình thường thì chúng mình hỗ trợ các anh chị và ban tổ chức. Bên cạnh đấy thì chúng mình còn tham gia cổ vũ cho các đội tuyển và sau khi các trận đấu kết thúc thì chúng mình ở lại để dọn dẹp vệ sinh. Tuy rằng công việc nhiều nhưng mà chúng mình vẫn cảm thấy vui và tự hào khi được đóng góp sức mình cho SEA Games".
Thông qua việc làm của mình, các tình nguyện viên đã truyền tải tới các đoàn khách quốc tế trong dịp SEA Games 31 đó là tinh thần yêu chuộng hòa bình, mến khách và thân thiện của người Việt Nam. Bạn Đào Thanh Phượng, một tình nguyện viên tại SEA Games 31 bảy tỏ: "Trước khi mà chính thức nhận nhiệm vụ thì em cần phải tìm hiểu về người mà mình sẽ đón, về văn hóa của họ xem họ có kỵ cái gì không. Sau đó thì tìm hiểu cả về ngôn ngữ của họ nữa và bổ sung thêm một chút kiến thức về tiếng Anh. Ấn tượng nhất của em đó là một vị quan chức nước ngoài đã khen ngợi Việt Nam rất nhiều vì công tác tổ chức của chúng ta vô cùng chu đáo và rất là mến khách".
Với sức trẻ, sự năng động, nhiệt tình, lực lượng tình nguyện viên đã góp phần hữu hiệu trong việc quảng bá hình ảnh, văn hóa, con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế, một đất nước đến rồi sẽ lưu lại trong họ ký ức tốt đẹp. Đến rồi muốn đến nữa. Hành động, việc làm của đội ngũ mang áo xanh tình nguyện đồng thời cũng góp phần tạo nên một kỳ SEA Games ấn tượng và thành công.