Trưng bày chuyên đề “Tiếng vọng” giới thiệu đến công chúng gần 100 hiện vật, hình ảnh, tài liệu quý của hơn 2000 năm trước của dân tộc ta từ thời các vua Hùng với nền Văn hóa Đông Sơn phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc. Đây cũng là dịp để Bảo tàng Hà Nội giới thiệu đến công chúng và tôn vinh những hiện vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật Quốc gia trong đó có trống đồng Cổ Loa.

Ông Nguyễn Tiến Đà- Giám đốc Bảo tàng Hà Nội cbo biết, Văn hóa Đông Sơn được xác định tồn tại trong khoảng từ thế kỷ VII trước Công nguyên đến thế kỷ I - II sau Công nguyên. Qua hàng trăm di tích cùng với khối di vật đồ sộ đã được phát hiện và nghiên cứu, là minh chứng sinh động cho nguồn gốc bản địa, sự phát triển lâu dài, liên tục và trực tiếp từ các nền văn hóa tiền Đông Sơn (Phùng Nguyên - Đồng Đậu - Gò Mun), đến đỉnh cao văn hóa Đông Sơn và văn minh Đại Việt.

"Trưng bày chuyên đề “Tiếng vọng” giới thiệu đến công chúng nhiều sưu tập hiện vật đặc sắc như: Công cụ lao động sản xuất, đồ dùng sinh hoạt, vũ khí, nhạc khí… Đặc biệt, kỹ thuật đúc đồng giai đoạn này đã đạt tới trình độ hoàn mỹ, trong đó trống đồng là loại di vật điển hình nhất, hội tụ đầy đủ những tri thức khoa học của thời đại cũng như tài năng và tâm hồn người Việt. Chúng tôi đưa đến công chúng bộ sưu tập trống đồng độc đáo của Bảo tàng Hà Nội đang lưu giữ, cùng với đó giải mã kỹ thuật đúc trống đồng và phong tục thờ thần trống đồng –thần Đồng Cổ ở Hà Nội của tổ tiên chúng ta từ ngàn năm trước".

Ngoài Trưng bày chuyên đề “Tiếng vọng”, dịp này Bảo tàng Hà Nội cũng dành một khu để trưng bày bộ cờ Mặt Trời. Đây là một trò chơi được thiết kế bởi tác giả Ninh Quang Trường. Anh đã dành 12 năm nghiên cứu, thử nghiệm từ ý tưởng cho đến khi hoàn thiện. Bộ cờ được lấy cảm hứng từ văn hóa dân tộc Việt Nam và kế thừa các đặc điểm của trò chơi dân gian cũng như các môn cờ truyền thống khác. Các quân cờ được tạo hình giống trống đồng thu nhỏ, với họa tiết mặt trời đặc trưng và bàn cờ hình vuông tượng trưng cho trời tròn đất vuông. Bộ cờ Mặt trời thể hiện sự sáng tạo được kế thừa từ di sản văn hóa của dân tộc. Thông qua sản phẩm này Ninh Quang Trường đã và đang là người truyền cảm hứng cho các bạn trẻ yêu di sản văn hóa dân tộc để tiếp tục đồng hành thực hiện ước mơ phát triển công nghiệp văn hoá Việt Nam ra với bạn bè quốc tế.

Với vai trò là một trung tâm kết nối sáng tạo của Thành phố, Bảo tàng Hà Nội phối hợp với Trung tâm xúc tiến quảng bá di sản văn hóa phi vật thể (VICH), mạng lưới Sáng kiến văn hoá Việt Nam, cổ phục Vạn Thiên Y, nhóm Về làng và các làng nghề của Hà Nội tổ chức các hoạt động văn hóa, trải nghiệm như: trải nghiệm cổ phục Việt Nam, mặc trang phục truyền thống, chụp ảnh với không gian bảo tàng; trải nghiệm chơi cờ Mặt Trời... Đây là những hoạt động nhằm gìn giữ và thúc đẩy tình yêu văn hóa của cộng đồng, cũng như tạo ra một sân chơi trải nghiệm văn hóa sáng tạo, giúp du khách trong nước và quốc tế có thêm hiểu biết về Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Cũng theo ông Nguyễn Tiến Đà, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội, các hoạt động này có ý nghĩa tôn vinh các biểu tượng văn hoá lâu đời của người Việt, khích lệ thế hệ trẻ gìn giữ và phát huy văn hoá bằng cách kế thừa và sáng tạo ra các sản phẩm văn hoá đương đại từ chất liệu truyền thống.

"Bảo tàng Hà Nội mong muốn tiếp tục đồng hành và bảo trợ cho các hoạt động văn hoá sáng tạo hướng tới công chúng trẻ. Mạng lưới các nhà thiết kế sáng tạo trẻ, đây là nguồn nhân lực dồi dào, tiềm năng và sẵn có của Hà Nội sẽ là nguồn lực để phát huy sức sáng tạo của giới trẻ trong việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa dân tộc", ông Đà nhấn mạnh.