Hoàng Kế Viêm sinh năm 1820 mất năm 1909. Ông còn có tên gọi là Hoàng Tá Viêm, tự Nhật Trường, hiệu Tùng An, quê làng Văn La, tổng Văn Đại, phủ Quảng Ninh, nay thuộc xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Ông là con trai của quan Thượng thư Bộ hình Hoàng Kim Xán dưới triều vua Minh Mạng.

Lớn lên trong một gia đình danh gia vọng tộc, song cuộc đời của Hoàng Kế Viêm không thật sự bằng phẳng, hanh thông. Hơn 10 năm đầu đời, Hoàng Kế Viêm sống trong sự dạy bảo của cha cả về học vấn lẫn đạo lý của Nho gia. Nhân cách cao cả của Hoàng Kim Xán đã ảnh hưởng không nhỏ đến tính cách Hoàng Kế Viêm. Tuy nhiên, tuổi thơ dịu dàng êm ả đã không dài với ông vì năm 13 tuổi Hoàng Kế Viêm đã mồ côi cha. Sau khi cha mất, Hoàng Kế Viêm về sống và học tập ở quê hương Văn La - đất địa linh nhân kiệt, là một trong 8 làng quê văn vật nổi tiếng của tỉnh Quảng Bình, đã ảnh hưởng không nhỏ tới tư tưởng và nhân cách về sau của Hoàng Kế Viêm.

Năm 1843, thi đỗ cử nhân lại nổi tiếng thông minh, hiếu hạnh nên Hoàng Kế Viêm đã lọt vào tầm ngắm của Hoàng tộc trong việc kén chồng cho Công chúa. Năm 1844, Hoàng Kế Viêm được vua Thiệu Trị chọn làm phò mã cho công chúa Hương La. Mối lương duyên này là sợi dây thứ hai ràng buộc Hoàng Kế Viêm với triều Nguyễn bên cạnh nghĩa vụ của nhà Nho.

Sự nghiệp làm quan của Hoàng Kế Viêm bắt đầu từ năm 1843 với chức được bổ làm tư vụ, hàm Quang Lộc Tự Khanh. Năm 1846, đời vua Thiệu Trị, ông làm lang trung Bộ Lại. Năm 1852, ông giữ chức án sát tỉnh Ninh Bình; năm 1854, ông được thăng Bố Chính tỉnh Thanh Hóa; năm 1859, là Bố Chính kiêm Tuần vũ tỉnh Hưng Yên; năm 1863, ông giữ chức Tổng đốc An-Tĩnh (Nghệ An-Hà Tĩnh). Theo nhà nghiên cứu, TS Phan Viết Dũng, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Quảng Bình, dù ở cương vị nào Hoàng Kế Viêm đều thể hiện là một vị quan vì dân, vì nước: "Ông có công trị an mở mang kinh tế, phát triển dân sinh, ở An – Tĩnh ông chăm lo làm thủy lợi, cho đào kênh, thiết cảng nối ra tỉnh Thanh Hóa để phát triển nông nghiệp. Ông cũng dâng sớ can gián vua Tự Đức bớt ăn chơi mà để ý đến việc triều chính. Ông còn lấy danh nghĩa thông thương để tìm hiểu về việc kiến thiết đất nước của các nước phương Tây"

Vào giai đoạn những năm 1870, ở Bắc Kỳ xảy ra nhiều biến loạn, giặc Cờ Đen, Cờ Trắng, Cờ Vàng hoành hành, cướp phá, quấy nhiễu nhân dân, thực dân Pháp thì âm mưu chiếm vùng sông Hồng. Trước tình hình đó, triều đình đã cử Hoàng Kế Viêm làm Thống đốc quân vụ đại thần bốn tỉnh Lạng - Bình - Ninh - Thái, trực tiếp chỉ huy quân thứ Tam Tuyên cùng với Tán tương Tôn Thất Thuyết lo việc dẹp loạn, ổn định Bắc Kỳ.

Với kế sách “vừa đánh vừa dụ hàng”, chỉ sau một thời gian ngắn, Hoàng Kế Viêm đã thu phục được thủ lĩnh quân Cờ Đen là tướng Lưu Vĩnh Phúc, cùng hợp sức đánh tan giặc nổi loạn Cờ Trắng, Cờ Vàng. Nhờ vào công lao này, ông được phong hàm Đại học sĩ lãnh Tổng đốc Tam Tuyên, sung Tiết chế quân vụ Bắc Kỳ.

Năm 1873, quân Pháp dưới sự chỉ huy của đại úy F.Garnier đánh chiếm thành Hà Nội và nhiều tỉnh khác ở Đồng bằng sông Hồng, Hoàng Kế Viêm được triều đình cử làm Tiết chế quân vụ Bắc Kỳ để chỉ huy, đôn đốc việc phòng thủ chống Pháp. Ở chức vụ này, ông đã chỉ huy quân dân Hà Nội phối hợp với quân Cờ Đen đánh thắng cuộc tấn công của Pháp vào thành Hà Nội, giết chết tên chỉ huy Pháp Garnier. Mười năm sau, ngày 19-5-1883, Hoàng Kế Viêm lại chỉ huy quân dân Hà Nội đập tan cuộc tấn công của quân Pháp ở Cầu Giấy, bắn chết tên trung tá chỉ huy Riviere.

Tuy nhiên, sau đó Hoàng Kế Viêm được triệu về kinh đô Huế và năm 1887 khi phong trào Cần Vương chống Pháp ở Quảng Bình phát triển, triều đình đã giao cho ông đảm nhiệm chức An phụ sứ ở Quảng Bình, một chức vụ mà triều đình Đồng Khánh muốn dùng ông để chiêu dụ văn thân Cần Vương. Cũng chính từ sự kiện này khiến cho cuộc đời Hoàng Kế Viêm mang tiếng oan là từ một người chống thực dân Pháp lại quay sang thân Pháp. Tuy nhiên, với những tư liệu của mình, nhà nghiên cứu Phan Viết Dũng cho biết: “Ban đầu Hoàng kế Viêm không nhận chức An phụ sứ, nhưng ông nhận thư của một vị quan thanh liêm khuyên nhận để an dân nếu không dân cả vùng này sẽ khổ”

Nghe theo lời khuyên của bậc tiền bối thương dân, Hoàng Kế Viêm đã nhậm chức An Phụ sứ. Tuy bị đặt vào thế đối lập với lực lượng yêu nước, nhưng Hoàng Kế Viêm đã khôn khéo ngầm giúp đỡ quân Cần Vương, giải vây cho quân Cần Vương ở các căn cứ Kim Sen - Lèn Bạc (Quảng Ninh - Lệ Thủy) gây khó khăn cho Pháp. Mặt khác Hoàng Kế Viêm còn đòi Pháp trao cho ông 500 súng trường và 500 lính để đánh dẹp quân Cần Vương. Trên thực tế là Hoàng Kế Viêm định lấy vũ khí và lực lượng của giặc để chống giặc. Thấy không lợi dụng được Hoàng Kế Viêm, mà ngược lại bị Hoàng Kế Viêm khôn khéo lợi dụng nên thực dân Pháp phải lệnh cho vua Đồng Khánh triệu hồi ông về lại kinh. Là kẻ thù và là đối thủ lợi hại của Pháp song Hoàng Kế Viêm đã làm cho kẻ thù vừa sợ hãi, vừa kính nể. Người Pháp gọi Hoàng Kế Viêm là con người ''Bất khả diệt, bất khả tin''.

Trước những bất lợi của công cuộc cứu nước khi phong trào Cần Vương Quảng Bình thất bại, vua Hàm Nghi bị giặc bắt, Hoàng Kế Viêm bèn xin từ quan về ẩn dật tại quê nhà và để lại những giai thoại bất hủ về việc chăm lo cho nhân dân Văn La. Người dân địa phương truyền tụng về Hoàng Kế Viêm rằng, khi về hưu, vua ban cho ông 4 mẫu ruộng nhất đẳng điền tùy ý chọn nhưng ông chỉ chọn 4 mẫu đất cỏ hoang mà người làng dùng để nuôi trâu bò rồi ông vận động con cháu trong họ cùng dân làng đi khẩn hoang một vùng đất khác cạnh đó thành đồng ruộng hai mùa tươi tốt. Nhân dân gọi đó là đồng cồn Hoàng ngàn mùa không mất. Ruộng khai phá xong, ông chia đều cho mọi người cày cấy.

Ngoài tài năng về quân sự, kinh tế, Hoàng Kế Viêm còn là người hay chữ: làm thơ, viết văn, viết sử. Những tác phẩm của ông bằng Hán Nôm với bút danh Tùng An khá đa dạng và phong phú như: Trù Thiết sơn phòng sư Nhị tấn (tổng kết việc củng cố an ninh vùng biên cương kết hợp với khai hoang và tăng gia sản xuất); Thần cơ yếu ngữ (sách giáo khoa cho bộ binh nói về cách sử dụng các loại vũ khí mới, cách bắn súng, bảo quản vũ khí có tranh vẽ minh họa và các bài tập); Hoàng Triều Văn Vũ thế tắc lệ (Những phép tắc cho các trường thi võ); Phê thị trần hoàn (ghi chép về đời vua Tự Đức); Tiên công sự tích biệt lục (ghi lại thân thế và sự nghiệp của cha ông)... Hoàng Kế Viêm được vua Duy Tân truy tặng hai chữ "Văn Nghị" có nghĩa là "bạn của văn chương". Ông còn để lại “Hoàng thị gia huấn” răn dạy con cháu lấy chữ Hiếu làm đầu.

Năm 1909, do tuổi cao sức yếu Hoàng Kế Viêm mất tại quê nhà. Với những đóng góp to lớn cho lịch sử dân tộc, Hoàng Kế Viêm xứng đáng được suy tôn là một Danh thần văn võ song toàn.