Nhằm phát huy những kết quả đã đạt được từ sự lan tỏa của việc phối hợp tổ chức Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch 4 tỉnh, trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024, 4 tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh tiếp tục phối hợp tổ chức Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Ninh Bình - Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh với chủ đề “Một hành trình - Nhiều trải nghiệm”.

4 địa phương được biết đến là một vùng đất giàu giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống, nhiều làn điệu ca múa nhạc vừa mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, lại vừa giàu sắc thái riêng như hò Sông Mã, hát xẩm xoan (Thanh Hóa); hát ví giặm, hát phường vải (Nghệ An, Hà Tĩnh), hát chèo, hát Xẩm (Ninh Bình)… Đây là những lợi thế vô cùng to lớn của 4 tỉnh để tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, thấm đẫm bản sắc văn hóa, làm nên sức hấp dẫn riêng với du khách.

Theo ông Bùi Văn Mạnh - Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình, đây là lần thứ 3 các tỉnh cùng phối hợp tổ chức Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch bên lề Hội chợ VITM Hà Nội. Thông qua Hội nghị, 4 địa phương mong muốn giới thiệu, quảng bá hình ảnh điểm đến, thị trường, sản phẩm du lịch, dịch vụ mới và các sự kiện du lịch tiêu biểu năm 2024 nhằm thu hút khách du lịch đến với các tỉnh; xây dựng hình ảnh du lịch 4 địa phương thông qua việc liên kết thành một hành trình, nhiều trải nghiệm; đẩy mạnh hoạt động hợp tác, liên kết quảng bá, xây dựng, định vị thị trường, giới thiệu chương trình kích cầu du lịch năm 2024 đến với các tỉnh thành phía Bắc, đồng thời tạo cơ hội cho doanh nghiệp du lịch 4 địa phương gặp gỡ các đối tác du lịch trong cả nước.

Cũng trong khuôn khổ hội chợ VITM Hà Nội 2024 đã diễn ra hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Kiên Giang và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Đồng bằng sông Cửu Long là một trong 7 vùng trọng điểm du lịch của cả nước với hệ thống tài nguyên du lịch phong phú và mang tính đặc thù, độc đáo riêng gắn với biển đảo, sông nước, miệt vườn, chợ nổi… Đây cũng là nơi giao thoa, hòa trộn các nền văn hóa dân tộc của người Kinh, Khmer, Chăm nên nơi đây có một hệ thống tài nguyên du lịch nhân văn đặc sắc và giá trị.

Ông Phạm Văn Trưởng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng, Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long và Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành phố cần tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của mình, để góp phần vào việc duy trì ổn định và phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới. Đồng thời phải hết sức quan tâm đến việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù trong khu vực, đó là du lịch sinh thái, sông nước, du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch biển đảo... Đặc biệt, công tác xây dựng phát triển nguồn nhân lực, đổi mới công tác xúc tiến quảng bá phải đảm bảo từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả của việc xúc tiến quảng bá du lịch đồng bằng sông Cửu Long, đây là điều vô cùng quan trọng và cấp thiết.