Ông Phạm Văn Thủy - Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết, so với các nước trong khu vực, chất lượng nhân lực du lịch Việt Nam vẫn còn hạn chế, tác động lớn đến việc tạo ra sản phẩm du lịch có sức cạnh tranh cao. Trong bối cảnh thỏa thuận MRA-TP cho phép dịch chuyển lao động du lịch có tay nghề thuộc khối ASEAN, người làm du lịch nước ngoài có thể sang làm việc tại Việt Nam, khiến lao động ngành du lịch Việt Nam có nguy cơ mất việc ngay trên sân nhà nếu không nâng cao năng lực chuyên môn và thái độ làm việc.

GS.TS Đào Mạnh Hùng, Chủ tịch Liên chi hội Đào tạo Du lịch Việt Nam cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, cả nước có 195 cơ sở đào tạo du lịch gồm: 65 trường Đại học có các khoa du lịch, 55 trường Cao đẳng, 71 trường Trung cấ và 4 Trung tâm đào tạo nghề. Hàng năm, các cơ sở đào tạo du lịch cho tốt nghiệp ra trường được khoảng 20.000 sinh viên, học viên trên khoảng 22.000 học sinh tuyển dụng đầu vào. Trong đó có khoảng 1.800 sinh viên Đại học, Cao đẳng chuyên nghiệp, 2100 sinh viên Cao đẳng nghề du lịch, khoảng 18.200 học viên hệ trung cấp, ngoài ra còn có khoảng 5.000 sơ cấp và đào tạo truyền nghề dưới 3 tháng.

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch Việt Nam, chất lượng, năng suất lao động trong ngành du lịch và khách sạn tại Việt Nam còn thấp. Cụ thể, năng suất lao động tại khách sạn ở Việt Nam chỉ bằng 1/15 so với Singapore, 1/10 so với Nhật Bản và 1/5 so với Malaysia. Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến thực trạng đó là do nguồn nhân lực du lịch Việt Nam hiện nay vừa thiếu về số lượng lại vừa yếu về chuyên môn, nghiệp vụ. Việc đào tạo và sử dụng thiếu đồng bộ, thiếu hệ thống và chưa đạt chuẩn dẫn đến nguồn nhân lực được đào tạo ra bị lệch hướng, thiếu nhân sự cấp cao. Đó là chưa kể doanh nghiệp tuyển dụng nhân lực tốt nghiệp từ các trường Đại học, Cao đẳng phải đào tạo lại theo các tiêu chuẩn riêng của đơn vị vừa gây tốn kém, vừa mất thời gian.

Trước thực tế này, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy cho rằng, các cơ sở đào tạo nhân lực du lịch cần có giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch Việt Nam, mà trước hết cần xây dựng một chương trình đào tạo đáp ứng chuẩn quốc tế trong ngành du lịch.

Phân tích những ưu, nhược điểm trong khâu đào tạo nguồn nhân lực du lịch nước ta hiện nay, PGS.TS Dương Đức Thắng, Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Công nghệ Đông Á cho rằng, công tác đào tạo theo phương thức truyền thống hiện không còn phù hợp với tiêu chuẩn, đòi hỏi ngày càng cao của ngành du lịch.

“Nhân lực du lịch hiện nay không chỉ thông thạo ngoại ngữ mà còn phải sử dụng tốt công nghệ, các kỹ năng xây dựng sản phẩm theo tiêu chuẩn chất lượng cao. Trong khi đó, nhiều sinh viên được đào tạo tại các khoa du lịch khi ra trường thậm chí không cạnh tranh được với những sinh viên học ngoại ngữ do yếu kỹ năng giao tiếp với người nước ngoài. Đây là thực tế đáng buồn”.

Đề xuất các giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong giai đoạn hiện nay, PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội nêu quan điểm: Việt Nam có 3 xu hướng đào tạo, đó là: Thực hành, nghiên cứu quản lý, hoặc kết hợp 2 hình thức này. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có chuẩn mực, tiêu chí về đào tạo chuẩn quốc tế, đó là cái khó để các trường xây dựng mô hình đào tạo phù hợp. Do đó, cần có hệ thống chính sách đào tạo phù hợp, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đào tạo, tăng cường cập nhật nội dung đào tạo, đặc biệt, việc xây dựng, hoàn thiện và áp dụng hệ thống chính sách cần không có sự phân biệt đối với các cơ sở đào tạo có hình thức sở hữu khác nhau.

Ngoài ra, các cơ sở có giáo dục Đại học, giáo dục nghề nghiệp du lịch phải gắn kết với hiệp hội nghề nghiệp, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch để dự báo nhu cầu lao động, xây dựng chuẩn đầu ra và đào tạo học sinh, sinh viên, học viên có kỹ năng đáp ứng yêu cầu ngành nghề; phối hợp đầu tư cơ sở vật chất theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường hợp tác công tư, chú trọng xây dựng các cơ sở thực hành, thực tập chất lượng cao, theo chuẩn mực khu vực và quốc tế phục vụ đào tạo nhân lực du lịch. Ðây được coi là giải pháp quan trọng để phát triển du lịch bền vững, đồng thời là cơ sở để tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho du lịch Việt Nam.