Được xác định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng ngành du lịch Việt Nam lại có đặc thù dựa nhiều vào môi trường tự nhiên. Vì thế, để du lịch phát triển bền vững, tất yếu phải đi theo hướng du lịch xanh. Du lịch xanh là loại hình du lịch hoạt động theo phương thức giảm thiểu tác động đến môi trường, đóng góp tích cực cho bảo vệ đa dạng sinh học, sử dụng năng lượng tái tạo và phát huy các di sản thiên nhiên, văn hóa, phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường. Đây được xem là hướng đi phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Theo ông Vũ Văn Tuyên, Phó Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam, có rất nhiều nước trên thế giới khi phát triển một cách ồ ạt về kinh tế đã tạo ra xu hướng mất cân bằng giữa thiên nhiên và xu hướng hiện đại. Tuy nhiên, Việt Nam đã làm công việc này rất tốt. Định hướng của Việt Nam sắp tới là phát triển về không gian du lịch xanh, đây là một chiến lược cũng như một định hướng rất tốt, rất có lợi thế cho Việt Nam.

Nối tiếp Năm Du lịch quốc gia 2022 “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh”, Năm Du lịch quốc gia 2023 với chủ đề: “Bình Thuận - Hội tụ xanh” đã tiếp tục khẳng định nỗ lực cũng như quan điểm nhất quán của Việt Nam trong phát triển du lịch theo hướng xanh, bền vững. Bên cạnh đó, nước ta cũng có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển loại hình du lịch này.

Năm 2023, Việt Nam đã đón trên 12 triệu lượt khách quốc tế và trên 100 triệu khách du lịch nội địa. Khả năng trong năm 2024, chúng ta sẽ quay trở lại mốc của năm 2019 là sẽ đạt trên 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Chính vì vậy, việc phát triển du lịch xanh chính là tiền đề để cân bằng và tái tạo lại việc duy trì cũng như phát triển du lịch bền vững.

Ông Vũ Văn Tuyên cho rằng, phát triển du lịch xanh, tăng trưởng xanh, hướng tới mục tiêu phát triển du lịch bền vững đang là xu thế, cơ hội nhưng cũng là thách thức của du lịch Việt. Chính vì thế, cần đặc biệt tạo ra những sản phẩm phẩm đáp ứng được nhu cầu trải nghiệm, tương tác du khách với cộng đồng địa phương. "Tôi cho rằng, có 5 yếu tố để tạo ra một sản phẩm du lịch xanh. Thứ nhất thân thiện với môi trường. Thứ hai, phải tạo ra an sinh xã hội, người dân được hưởng lợi từ phát triển du lịch. Bên cạnh đó phải tạo ra được tính chất an dân, tức là không có nhiều xung đột xảy ra trong cộng đồng làm du lịch”.

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 cũng xác định phát triển du lịch Việt Nam với định hướng bền vững, bao trùm trên nền tảng tăng trưởng xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên, cái khó ở đây là chúng ta chưa thực sự nhận thức một cách đầy đủ về phát triển du lịch xanh. Theo ông Vũ Văn Tuyên, yếu tố đầu tiên là phải đồng nhất về bộ tiêu chí phát triển du lịch xanh, chúng ta đã có bộ tiêu chí về du lịch xanh, cửa hàng xanh, chuỗi các cung ứng về du lịch xanh. Tuy nhiên phải đồng nhất để làm sao tất cả các tỉnh thành, các điểm đến hiểu rõ bộ tiêu chí này. Thứ hai phải xây dựng bộ tiêu chí về phát triển du lịch xanh dành cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch cũng như những người làm du lịch, đồng thời có những tiêu chí để làm sao khi khách du lịch tham gia vào các chuỗi cung ứng, cũng như các sản phẩm du lịch xanh phải có ý thức và cam kết thực hiện bộ tiêu chí xanh này.

Du lịch xanh không chỉ là đến những điểm du lịch gắn liền với thiên nhiên, vận động du khách bảo vệ môi trường, hạn chế tác động đến nét đẹp nguyên bản của thiên nhiên mà còn là những giá trị, bản sắc cộng đồng cần được gìn giữ, tôn tạo và phát triển. Đây là biện pháp hữu hiệu để giải quyết tình trạng nghèo đói, tạo việc làm tại địa phương và đa dạng hóa kinh tế. Tuy nhiên cũng cần phải có những cơ chế ưu đãi, khuyến khích để phát triển du lịch xanh. “Chúng ta thấy được khi một doanh nghiệp đưa ra các sản phẩm về phát triển du lịch xanh, họ sẽ phải đầu tư rất nhiều về con người, về công sức cũng như lựa chọn sản phẩm và đối tượng khách hàng. Chính vì vậy, giá trị để tạo ra một sản phẩm du lịch xanh sẽ đắt hơn, tốn nhiều thời gian, công sức hơn so với một sản phẩm du lịch thông thường. Bởi vậy, Chính phủ nên tạo điều kiện thuận lợi cho những doanh nghiệp để tạo ra một môi trường phát triển lành mạnh, tạo ra được những sản phẩm có tính bền vững, phục vụ cho ngành công nghiệp không khói, đưa tên tuổi của du lịch Việt Nam không chỉ nổi tiếng trong nước mà có thể sánh vai với tất cả các nước trên thế giới” - ông Vũ Văn Tuyên đề xuất.

Với những lợi ích đa dạng và toàn diện, du lịch xanh trở thành một hướng phát triển quan trọng cho ngành du lịch Việt Nam. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, như đã phê duyệt, đặt ra những định hướng cụ thể để phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững. Việc chuyển đổi sang các mô hình du lịch xanh của các doanh nghiệp giúp giảm tác động tiêu cực lên môi trường, đồng thời tăng cường ý thức và trách nhiệm của du khách về việc bảo vệ môi trường và duy trì tính bền vững của điểm đến. Đây là bước đi quan trọng trong việc thúc đẩy du lịch xanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc áp dụng các biện pháp và quy định du lịch bền vững cần được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo tính công bằng, an toàn và bền vững trong quá trình phát triển du lịch.