Với gần 700 trang, “Sống đến bình minh” là lần đầu tiên nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh viết một cuốn tự truyện cho riêng mình, từ khi ấu thơ đến tận những ngày tháng an nhiên xế chiều.

“Sống đến bình minh” được chia thành 7 chương: “Chàng trai tỉnh lẻ”, “Đi qua cái chết”, “Chiến tranh và hoà bình”, “Thời bao cấp giữa bao vây và cấm vận”, “Những năm đầu đổi mới báo chí”, “Vòng xoáy” và “Sống đến bình minh”.

Sinh thời, nhà văn, nhà báo Trần Mai Hạnh chia sẻ về cuốn tự truyện của mình: "Cuộc đời làm báo của tôi không chỉ có vinh quang mà còn không ít cay đắng; không chỉ có những phút giây thăng hoa khi được chứng kiến, tác nghiệp trong sự kiện lịch sử huy hoàng của dân tộc mà còn có cả tai nạn nghề nghiệp và hệ lụy kinh hoàng... Đối diện với cái chết trong chiến tranh và những nghịch cảnh cùng trò đùa của số phận đời thường, tôi vẫn sống và viết với niềm tin những gì tươi sáng rồi sẽ đến. Tên sách "Sống đến bình minh" được đặt cho cuốn tự truyện cũng vì lẽ đó".

Cuốn tự truyện "Sống đến bình minh" chính là những lát cắt ký ức của tác giả về những sự kiện, câu chuyện, cảnh ngộ đã diễn ra trong suốt cuộc đời và sự nghiệp của ông. Trải qua những năm tháng là sinh viên, phóng viên chiến trường, nếm trải sự khốc liệt giữa lằn ranh sự sống và cái chết, có mặt chứng kiến và viết bài tường thuật đầu tiên về những giờ phút lịch sử trưa ngày 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập, cho đến khi giữ cương vị Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam… Thậm chí, ngay cả khi đã nghỉ hưu, cho đến giây phút cuối đời, ông vẫn luôn miệt mài viết và cho ra mắt bạn đọc nhiều tác phẩm hay, có giá trị.

Tại lễ ra mắt tự truyện, nhà báo Trần Mai Hưởng – nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam cho biết: "Anh Hạnh chính là người đã dẫn dắt tôi theo nghề báo nên ngoài tư cách em trai, tôi còn là đồng nghiệp thân thiết với anh. Tôi tin cuốn sách chính là những điều cơ bản mà anh trai mình muốn nói với mọi người về 82 năm cuộc đời, xuyên suốt trong đó là ý chí và khát vọng sống của anh. Sau tất cả những bất hạnh, tình yêu cuộc sống trong anh không mất đi. Anh vẫn luôn lạc quan, vẫn tin vào những điều tốt đẹp, và anh vẫn miệt mài viết mỗi ngày, gửi gắm trong từng con chữ niềm tin yêu cuộc sống".

Bà Phạm Thị Thinh, Phó Giám đốc, Phó Tổng Biên tập NXB Chính trị Quốc gia Sự thật nhận định, cuốn tự truyện không chỉ khái quát cuộc đời của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh mà còn truyền tải đến độc giả những giá trị về lịch sử, về truyền thống yêu nước: “Đọc những chương hồi ký của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh trong 21 ngày giữa vòng vây của địch thì mới lý giải làm sao mà cha ông ta đã gắn bó với chiến trường, đồng đội và đoàn kết thương yêu nhau như vậy. Qua đó mới thấy rằng, giáo dục truyền thống cách mạng, giáo dục truyền thống yêu nước bằng chính những câu chuyện như thế này sẽ giá trị hơn nhiều khi chúng ta viết lý thuyết sách vở”.

Sự bền bỉ trong sáng tác của Trần Mai Hạnh khiến mọi người nể phục. Cả đời ông theo nghề viết và khi đặt bút thì viết như để “trả nợ”. Dẫu trải qua những ngày tăm tối và gian khổ nhất, ông vẫn vượt qua và tiếp bước hành trình mình đang đi bằng những thôi thúc được cống hiến.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ: "nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh là một ví dụ quan trọng trong đời sống chúng ta, ông là một phần lịch sử trong lịch sử của chúng ta. Trần Mai Hạnh đã đi qua bóng tối của chiến tranh, đi qua bóng tối trong hòa bình mà ông vấp phải. Nếu một người không có khát vọng, không có nghị lực, không tin vào bản thân mình và tin vào một tương lai tốt đẹp thì ông sẽ rơi vào trong bóng tối của sự bất mãn, sự tuyệt vọng. Nhưng ông đã tin vào bản thân, tin vào cuộc đời này và điều đó đã thôi thúc ông đi lên, vượt qua bóng tối để đến với bình minh".

Thay mặt gia đình, nhà báo Trần Mai Anh - con gái lớn của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh gửi lời tri ân tới những đồng nghiệp và bạn bè của người cha vừa khuất núi: "Sống đến bình minh" như những thước phim tư liệu với rất nhiều thông tin về cuộc đời cha tôi. Dù phải trải qua rất nhiều thử thách trong cuộc đời nhưng cha tôi vẫn luôn vững tin vào bản thân, vào lương tri và những điều tốt đẹp ở phía trước giống như tên cuốn tự truyện. Đây sẽ chưa phải tác phẩm cuối cùng, bởi trong máy tính của ông vẫn còn bản thảo đang viết dở, những thước phim về lịch sử Việt Nam đang chờ ngày được thành hình...

Nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh sinh năm 1943, mất năm 2024.

Ông là thành viên trong đoàn công tác đặc biệt của Thông tấn xã Việt Nam có mặt vào trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975 tại Dinh Độc Lập.

Năm 1996, ông được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam.

Nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh từng nhận Huy chương Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam; Huy chương của Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ); Huy chương Phêlích Enmuxa của Hội Nhà báo Cuba.

Ông sáng tác nhiều tác phẩm như: "Nắng Thu Bồn", "Tình yêu và án tử hình", "Sụp đổ và tự thú", "Ngày tận thế", "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75", "Lời tựa một tình yêu", "Thời tôi sống"... Trong đó, tiểu thuyết "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" nhận được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2014 hạng mục văn xuôi, giải thưởng Văn học ASEAN năm 2015.