Đây là dịp để tôn vinh các nhà làm phim, đạo diễn, diễn viên với nhiều giải thưởng danh giá đối với môn nghệ thuật thứ 7.
Tại Lễ trao giải, vượt qua 19 tác phẩm khác, bộ phim “Tro tàn rực rỡ” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã đoạt giải thưởng Bông sen Vàng danh giá của thể loại phim truyện điện ảnh. Giải thưởng Bông sen Bạc của thể loại này thuộc về các bộ phim: “Mẹ ơi, Bướm đây”, “Em và Trịnh”, “Đào, Phở và Piano”.
Giải thưởng cá nhân của thể loại phim truyện điện ảnh được trao cho diễn viên Thái Hòa với giải Nam diễn viên chính xuất sắc trong bộ phim “Con Nhót mót chồng”. Diễn viên Đinh Y Nhung và Mai Cát Vy nhận giải Nữ diễn viên chính xuất sắc với bộ phim “Mẹ ơi, Bướm đây”. Giải thưởng nam, nữ diễn viên phụ xuất sắc lần lượt thuộc về diễn viên Bùi Lan Hương với phim “Em và Trịnh”, diễn viên Lê Công Hoàng với phim “Tro tàn rực rỡ”.
Đối với phim tài liệu, bộ phim “Những đứa trẻ trong sương” đoạt giải Bông sen Vàng. Bông sen Bạc thuộc về tác phẩm “Hai bàn tay”, “Trời Hà Nội mãi xanh - Tập 2: Bầu trời của hòa bình”. Thể loại phim khoa học, bộ phim “Nghiên cứu về ứng dụng công nghệ trong chữa cháy” giành giải Bông sen Vàng, bộ phim “Rác chìm” đoạt giải Bông sen Bạc. Thể loại phim hoạt hình, Bông sen Vàng được trao cho bộ phim “Giấc mơ của con”, hai tác phẩm “Nụ cười” và “Bà của Đỗ Đỏ” cùng đoạt giải Bông sen Bạc.
Ngoài giải Bông sen Vàng và Bông sen Bạc, Ban Tổ chức còn trao giải thưởng của Ban giám khảo cho các thể loại phim truyện điện ảnh, phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình và giải kỹ xảo điện ảnh xuất sắc cho 1 phim điện ảnh. Ban Tổ chức trao giải thưởng cá nhân gồm đạo diễn xuất sắc, tác giả kịch bản xuất sắc, đạo diễn phim truyện đầu tay xuất sắc, quay phim xuất sắc, họa sỹ xuất sắc, âm nhạc xuất sắc, âm thanh xuất sắc đối với các thể loại phim truyện điện ảnh, phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình. Bộ phim “Siêu lừa gặp siêu lầy” được trao giải Phim được yêu thích nhất, bộ phim “Em và Trịnh” được Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng trao giải thưởng Lâm Đồng - Cao nguyên hùng vĩ, giải thưởng dành cho phim có bối cảnh quay tại Đà Lạt.
Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXIII là sự kiện văn hóa nghệ thuật quốc gia lần đầu tiên được tổ chức tại thành phố Đà Lạt với thông điệp “Xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam giàu bản sắc dân tộc, hiện đại và nhân văn”. Phát biểu tại lễ bế mạc, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành, Trưởng Ban tổ chức Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXIII đánh giá, Liên hoan phim lần này đem tới cảm hứng sáng tạo nghệ thuật, hào hứng, ấn tượng đối với các nghệ sĩ điện ảnh và khán giả bởi đây là một kỳ Liên hoan có số lượng phim tham dự nhiều nhất từ trước tới nay. Trong 5 ngày diễn ra Liên hoan phim, hơn 10.000 lượt khán giả đến xem phim tại hệ thống rạp Cinestar và 30 buổi chiếu phim lưu động.
Liên hoan phim lần này cũng thể hiện tinh thần vượt khó, quyết tâm của ngành Điện ảnh Việt Nam trong thực hiện “Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Liên hoan Phim Việt Nam tiếp tục khẳng định là một sự kiện nghệ thuật quốc gia có dấu ấn chuyên nghiệp cao, thu hút được đông đảo các nhà hoạt động điện ảnh, các nghệ sĩ, với nhiều tác phẩm điện ảnh có chất lượng nghệ thuật tốt, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Tại Lễ bế mạc, Ban Tổ chức trao cờ đăng cai Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXIV cho Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.