Đơn cử như năm nay, tại Hà Nội, chỉ có khoảng 55,7% học sinh có chỗ học lớp 10 công lập. Còn ở TP.HCM, dẫu nhiều hơn song con số này cũng chỉ vào khoảng 70%. Thí sinh thì đông mà cánh cổng trường cấp 3 lại quá hẹp.

Áp lực là vậy, nên học sinh cuối cấp phải “cày” ngày đêm. Vừa kết thúc 1 ngày học chính khóa ở trường lại lao đến các lớp học thêm, tối về lại phải làm 1 “mớ” bài tập đến khuya chưa chắc đã xong. Ăn ngủ qua quýt, tranh thủ. Càng gần đến ngày thi càng phải tăng tốc và áp lực nặng nề…

Lý do khách quan thì đã đành và chúng ta không bàn đến ở đây. Nhưng cha mẹ có bao giờ nghĩ rằng, sự kỳ vọng và mong mỏi của mình cũng là 1 phần nguyên nhân chính khiến lũ trẻ phải chịu thêm áp lực và mệt mỏi như vậy không? “Con phải đỗ được vào trường chuyên thì sau này mới có tương lai sáng lạn!”; “Bây giờ học vất vả một tý, sau này cả đời sung sướng, nhàn tênh con ạ!”; “Không vào được cấp 3 mà đi học nghề thì đời coi như vứt đi!”; “Đừng để bao công lao của bố mẹ đổ sông đổ biển, bằng giá nào con cũng phải đạt được kết quả thật cao để không phụ lòng bố mẹ!”… Mỗi ngày, những đứa trẻ còn ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” đều phải nghe những điều đó từ người thân của mình - thử hỏi liệu không áp lực có được không?

Có một chuyên gia giáo dục đã nói rằng: Phương pháp giáo dục và quan điểm nuôi dạy con cái của cha mẹ quyết định sự trưởng thành của con cái. Hầu hết các bậc cha mẹ đều có kỳ vọng nhất định với con cái mình. Đó cũng là tâm lý chung và hết sức bình thường, bởi kỳ vọng trong phạm vi hợp lý chính là động lực thúc đẩy sự phát triển của con. Tuy nhiên, nếu cha mẹ không thấu hiểu con mà đặt kỳ vọng cao một cách mù quáng, vượt quá sức chịu đựng của con thì sẽ có tác động tiêu cực.

Nhà giáo Ưu tú, TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng - một ngôi trường đặc biệt ở Hà Nội với những học sinh cá biệt - từng nhắn nhủ với phụ huynh rất ngắn gọn rằng: “Các vị kỳ vọng vào con ít thôi. Hãy kỳ công nhiều vào!”. Vâng, kỳ công nghĩa là dành thời gian, dành công sức để ở bên con, làm bạn với con, thấu hiểu con, tạo bầu không khí giao tiếp vui vẻ trong gia đình và luôn là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho con. Mọi sự kỳ vọng của cha mẹ nên dừng ở một giới hạn nhất định và đừng bao giờ trở thành áp lực đè nặng lên vai con trẻ - dù là vô tình hay cố ý.

Kỳ thi này mới chỉ là chặng đầu tiên. Cuộc đời con còn rất nhiều “cuộc thi”. Thế nên, thay vì tạo áp lực bằng mọi cách, điều quan trọng là cha mẹ cần khích lệ con, giúp con hiểu rằng, chỉ cần con có ý chí và nghị lực, chỉ cần con cố gắng hết sức để không phải hối tiếc, thì sớm muộn gì con cũng sẽ “về đích” và gặt hái được thành công.

Giờ thì, cứ “xõa” đi các con, cứ xả hơi sau bao tháng ngày miệt mài, vất vả “cày” ngày đêm. Bỏ qua nỗi lo chỉ tiêu, nguyện vọng, phân luồng đi, gạt bỏ hết những tiếc nuối hoặc “giá như” khi làm bài không được ưng ý đi. Dù kết quả có thế nào thì chưa thành công không có nghĩa là thất bại.

“Sống như sông như suối/ Lên thác xuống ghềnh/ Không lo cực nhọc.

…Con ơi tuy thô sơ da thịt/ Lên đường/ Không bao giờ nhỏ bé được/ Nghe con”.

(Nói với con – Y Phương)