Nhắc đến hát Xoan - di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESSCO công nhận, nhiều người biết đến nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch, ở làng An Thái, xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Bằng tình yêu mãnh liệt với hát Xoan, bà dành nhiều tâm huyết cho việc truyền dạy, lưu giữ, bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật này.

Bà Lịch may mắn được sinh ra trong gia đình có 5 đời hát. Ông nội và cha đều là những nghệ nhân, trùm Xoan nổi tiếng, còn mẹ cũng là một cô đào nức tiếng trong vùng. Được thừa hưởng nguồn gen và bồi đắp mỗi ngày từ nhỏ nên khi lên 13 tuổi, bà gần như đã thuộc hết 24 làn điệu và trở thành đào nương trẻ tuổi của làng. Bà còn đảm nhiệm cả kép trống và dẫn cách mỗi khi trình diễn tại lễ hội của địa phương.

Từ đam mê, bà Lịch còn không ngừng tìm hiểu về lịch sử hình thành và phát triển của di sản văn hóa phi vật thể hát Xoan. “Hát Xoan là loại hình dân ca mang tính nghi lễ, phong tục, có nguồn gốc từ thời Hùng Vương, thường được trình diễn ở cửa đình vào dịp hội làng mùa xuân. Nội dung của các bài bản hát Xoan phong phú, mang ý nghĩa cầu chúc, khấn nguyện, ca ngợi vẻ đẹp của quê hương đất nước, tình yêu lao động, tình yêu nam nữ gắn với truyền thống văn hóa dân tộc…” bà Lịch cho biết.

Hiểu rõ giá trị của hát Xoan, bà Lịch luôn trăn trở, tìm cách gìn giữ. Mỗi khi ai đó, nhất là các em nhỏ tại địa phương và học sinh các nơi đến tìm hiểu về di sản này, bà lại tình nguyện giới thiệu về lịch sử cũng như “cái hay, nét đẹp” của hát Xoan.

Với niềm đam mê mãnh liệt, bà Lịch đã truyền dạy hát Xoan cho nhiều người. Tính riêng từ năm 2012 đến nay, bà đã dạy hơn 140 lớp với hàng trăm học viên là các em nhỏ. Trong đó, có những cháu mới hơn 3 tuổi đã có thể trình diễn được hát Xoan. Hơn thế, nhiều em còn đam mê loại hình nghệ thuật này.

Cũng như bà Lịch, từ khi còn thời niên thiếu, bà Nguyễn Thị Thắm, ở làng Châm Khê, xã Phong Khê, Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh đã đam mê và biết hát quan họ - di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESSCO công nhận. “Tôi biết hát quan họ từ khi vài tuổi. Mẹ tôi là nghệ nhân. Lúc tôi tầm 7 tuổi, tôi đã theo mẹ đi hát”, bà Thắm nhớ lại.

Cứ như vậy, bà Thắm không biết quan họ đã ngấm vào mình từ khi nào. Bằng hình thức học truyền miệng và đi biểu diễn, bà Thắm đã tiếp nhận, lưu giữ và chuyển tiếp những điều hay, nét đẹp của quan họ từ thế hệ ông cha cho thế hệ hôm nay. “Hồi xưa, các cụ đi làm cả ngày, tối đến mới có thời gian ngồi luyện hát với nhau, cứ thế truyền cho nhau thôi, vì hồi đó không có sách vở như bây giờ. Chẳng hạn, tôi học được gì, tôi lại truyền tiếp cho người khác”, bà Thắm cho biết.

Tại làng quan họ Châm Khê, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa phi vật thể quan họ còn có đóng góp của bà Nguyễn Thị Lập. Đam mê và hát quan họ từ khi còn là một thiếu nữ, đến nay gần 60 tuổi, bà vẫn là một liền chị, đồng thời truyền dạy thế hệ trẻ. “Tôi thật sự rất yêu quan họ và muốn gìn giữ nên truyền dạy cho các cháu. Dạy quan họ, nhất là quan họ cổ phải dày công mới làm được. Tôi rất tự hào vì Châm Khê có những làn điệu cổ mà nhiều nơi không có, họ phải tới đây học”, bà Lập cho biết.

Trải qua thăng trầm của cuộc sống, người cao tuổi hiểu rõ giá trị của văn hóa truyền thống. Bản thân người cao tuổi là đối tượng chính nắm giữ giá trị này. Cùng với đam mê và trách nhiệm, đông đảo người cao tuổi vẫn đang lặng lẽ, miệt mài tham gia vào gìn giữ, phát huy các di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia, dân tộc. Bà Nguyễn Thị Lịch, Nguyễn Thị Thắm và bà Nguyễn Thị Lập chỉ là ba trong số rất nhiều người như thế.

Nghe bài viết dưới đây: