Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) khuyến nghị mức lương tối thiểu cần đủ để cân bằng giữa nhu cầu của người lao động và gia đình họ cũng như các yếu tố kinh tế. Điều này buộc các quốc gia phải thường xuyên điều chỉnh lương tối thiểu để đáp ứng các điều kiện kinh tế thay đổi. Ở trong nước, vào đầu tháng 7 tới đây, chúng ta sẽ cũng thực hiện cơ chế điều chỉnh định kỳ lương tối thiểu, với mức tăng bình quân 6%. Với mức tăng này, liệu rằng tiền lương tối thiểu có đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động? Tăng lương tối thiểu có song hành với tăng năng suất lao động? Phóng viên VOV2 phỏng vấn ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Phóng viên: Thưa ông, qua 2 năm không được điều chỉnh, lương tối thiểu chính thức tăng từ ngày 1/7/2024 với 4 vùng lương, tăng bình quân 6% so với mức lương tối thiểu hiện hành. Ông có bình luận gì về thời điểm tăng lương cũng như mức tăng?

Ông Phạm Minh Huân: So với nhu cầu, so với yêu cầu của người lao động thì có thể nói mức tăng này là khá khiêm tốn. Tuy nhiên đây là mức đã được Hội đồng tiền lương Quốc gia, trong đó có đại diện người lao động là Tổng liên đoàn, đại diện của người sử dụng lao động, Hiệp hội VCCI cũng như một số chuyên gia độc lập và Nhà nước đã bàn bạc cân nhắc rất nhiều. Vì thế nhìn vấn đề rộng ra, thì mức tăng lần này phù hợp với bối cảnh chung vì chúng ta còn phải “lượng sức” của doanh nghiệp. Tuy nhiên thời điểm điều chỉnh từ giữa năm (1/7) là hơi khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc tính toán kế hoạch sản xuất kinh doanh.

Phóng viên: Mức lương tối thiểu ngày càng tụt xa so với mức sống tối thiểu, theo ông sẽ gây ra những hệ lụy như thế nào?

Ông Phạm Minh Huân: Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã xác định, mức sống tối thiểu của người lao động để đảm bảo cho họ có thể chi trả được các khoản phí cơ bản nhất: thứ nhất về lương thực thực phẩm; thứ 2 là nhóm phi lương thực thực phẩm và nhóm thứ 3 là đảm bảo các an sinh cơ bản như vấn đề y tế, giáo dục, vấn đề nhà ở. Về định tính là thống nhất nhưng định lượng thì mỗi bên, ví dụ Tổng Liên đoàn muốn nhà ở phải rộng hơn, giá thuê nhà phải phù hợp với thực tế hơn, vì thế mà sẽ làm tăng mức sống lên.

Tôi rất mong muốn Hội đồng tiền lương quốc gia, đặc biệt là bộ phận kỹ thuật phải ngồi lại với đại diện người lao động, đại diện doanh nghiệp cùng với chuyên gia độc lập thống nhất định tính, các tiêu thức định tính để tính mức sống tối thiểu cũng như dựa vào các chỉ số thống kê về giá cả để chúng ta xác định. Tất nhiên phải gần nhau chứ không thể nói là thống nhất được với nhau

Phóng viên: Chỉ số giá tiêu dùng trong quý I đã ở mức gần 4% mà chúng ta còn 9 tháng nữa. Chưa cần nhìn các yếu tố khác thì mức tăng 6% trong năm nay thì việc “hưởng lợi” từ quyết định tăng lương là không nhiều. Vậy để đảm bảo quyền lợi cho người lao động khi tăng lương tối thiểu vùng, theo ông, cần có thêm động thái nào từ đơn vị chủ quản là Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội?

Ông Phạm Minh Huân: Tôi nghĩ để đảm bảo mức tăng khiêm tốn này thì có 2 giải pháp. Thứ nhất là ổn định giá cả để làm sao không bị trượt giá.

Yếu tố thứ 2, cần thúc đẩy thương lượng tập thể về tiền lương. Trong nền kinh tế thị trường, tiền lương và điều kiện lao động dựa trên thỏa thuận người sử dụng lao động và tập thể người lao động, còn lương tối thiểu chỉ là quy định sàn của Nhà nước.

Tuy nhiên điều này hiện nay đang rất yếu, lẽ ra những người có trình độ, có thâm niên hoàn toàn được hưởng mức lương cao hơn nhưng thương lượng của chúng ta yếu cho nên người sử dụng lao động ở nhiều doanh nghiệp ép xuống, sát với mức lương tối thiểu nên ảnh hưởng rất lớn.

Phóng viên: Tăng lương tối thiểu vùng không chỉ là câu chuyện của người lao động, mà còn là của giới doanh nghiệp – chủ sử dụng lao động. Trong bối cảnh kinh doanh hiện tại, cũng như quan sát tình hình thực tế, ông có cho rằng, việc tăng lương tối thiểu thực tế mang lại thiệt hại cho doanh nghiệp hơn là lợi ích?

Ông Phạm Minh Huân: Doanh nghiệp cũng phải xác định điều chỉnh lương cho người lao động đặc biệt là lương tối thiểu bởi vì giá cả luôn biến động, đời sống người lao động cũng khó khăn bởi tiền lương thực tế giảm sút. Cộng với doanh nghiệp có yếu tố phát triển tăng lên, năng suất lao động tăng lên thì vấn đề tăng lương tối thiểu doanh nghiệp phải có trách nhiệm chia sẻ với người lao động. Tất nhiên đứng về mặt tài chính của doanh nghiệp, nếu như giá gia công, giá đầu ra không có sự thay đổi thì việc tăng lương tối thiểu sẽ khiến lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ bị giảm. Đây là điều mà doanh nghiệp phải cân nhắc, một mặt là lợi nhuận, mặt khác người lao động chính là nguồn lực tạo ra lợi nhuận đó cho nên làm sao phải hài hòa chỗ này.

Phóng viên: Các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài từng bày tỏ lo ngại về tốc độ tăng lương của thị trường Việt Nam, thậm chí nếu tính chi phí phúc lợi xã hội và công đoàn, thì chi phí lao động ở Việt Nam ngang bằng với chi phí lao động ở Thái Lan trong khi năng suất lao động của chúng ta thấp hơn so với các nước trong khu vực như Singapore; Malaysia; Thái Lan; Philippines, Indonesia... Lương tối thiểu trong tình huống này có lẽ lại là một rào cản với các doanh nghiệp, thưa ông?

Ông Phạm Minh Huân: Khi tôi gặp các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài thì người ta cũng nói rất nhiều, tưởng là thấp nhưng lại rất là cao bởi chi phí đóng bảo hiểm rất cao - trên 30% nên khi lương tối thiểu tăng thì chi phí đóng bảo hiểm sẽ tăng. Ngoài ra bản thân doanh nghiệp cũng phải chủ động tăng lương cho người lao động (không phải chỉ lương tối thiểu) mà có chế độ nâng bậc lương hằng năm gắn với thành tích của người lao động. Chúng ta không duy trì mức lương thấp để phát triển bằng lao động giá rẻ nhưng phải hài hòa trong điều kiện lao động cụ thể của chúng ta. Làm sao để nhà đầu tư nước ngoài thấy rằng ngoài chính sách về thuế cũng như các chính sách ưu đãi khác thì vấn đề nhân công vẫn có thể chấp nhận được.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!