Nhân kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, chương trình giới thiệu tới quý vị và các bạn chân dung một con người đã đi qua hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Bà là Trần Thị Thục Oanh, cựu chiến binh phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội.

Tự hào là người cộng sản, người chiến sĩ cách mạng, bà Thục Oanh, cựu chiến binh đã có 38 năm tham gia phục vụ chiến đấu tại chiến trường Tây Bắc, Hòa Bình, Điện Biên Phủ trong kháng chiến chống Pháp; chiến trường Tây Nguyên, Hạ Lào, Campuchia trong kháng chiến chống Mỹ và chiến trường Vị Xuyên, Hà Giang trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc.

“Không hiểu sao tôi không sợ chết”

“Nguy hiểm nhiều. Máy bay đánh vào đường hẻm, cứ chạy xung quanh gốc cây. Có lần tôi đi với đồng chí Lê Hồng Tuất, sau khi đánh xong đồng chí kêu lên “Chắc cái Oanh chết rồi”. Tôi bảo “Không, tớ hẵng còn sống, ở đây còn một thương binh cậu ra khiêng với tớ” – bà Thục Oanh nhớ lại những giây phút nguy hiểm “Ngàn cân treo sợi tóc” khi làm nhiệm vụ cùng đồng đội ở chiến trường.

Nhìn vóc dáng mảnh mai của nữ chiến sĩ Trần Thị Thục Oanh, khó ai có thể hình dung bà từng cùng đồng đội phát rẫy, làm nương, đào hầm, dựng lán, cõng gạo, cáng thương binh, tải đạn khắp các chiến trường từ chống Pháp đến những ngày đánh Mỹ ở Tây Nguyên, Lào, Campuchia…

Năm 1954 khi quân ta mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, Thục Oanh đi theo Đội điều trị 3, Quân y Viện 9 có mặt ở những nơi ác liệt nhất, từ Ba Khe, Lũng Lô, Cò Nòi, đến đèo Pha Đin...

Bà Oanh kể: “Ở Điện Biên Phủ máy bay ném bom, không ngớt lúc nào. Đường rừng cánh khó, tôi đi vác, cõng, khiêng thương binh về tuyến sau, đưa về Viện 9 ở Yên Bái”.

Năm 1965, đế quốc Mỹ đưa quân vào miền Nam thực hiện chiến lược chiến tranh cục bộ. Giữa giai đoạn cam go, ác liệt, Thục Oanh lại cùng đồng đội vượt Trường Sơn, đi bộ xuyên rừng, lội suối vào chiến trường Tây Nguyên.

Chỉ huy tuyến đường C4, dài hơn 700km, từ cảng Kampong Som lên đồn Đôn Phầy, nối sang đồn Tà Ngâu đều thuộc đất Campuchia là Đại tá Nguyễn Đức Phương. Ông Đức Phương khi đó hóa thân thành “ông chủ lớn”. Còn Thục Oanh là người chiến sĩ quân y với nhiều vị trí công tác kiêm nhiệm, đặc biệt vào vai em gái “ông chủ lớn” hoạt động trong lòng địch ở vùng ngã ba Đông Dương (Lào, Campuchia, Việt Nam).

Bà Oanh nhớ lại: “Chiến Trường Tây Nguyên là địa bàn hiểm trở, chỉ có đèo sâu núi cao. Có những lần vận chuyển hàng trăm tấn gạo, lương thực, thực phẩm, chưa lên được chỗ cất giấu đã bị địch đi kiểm tra sông. Mình nhiều kế hoạch ngăn chặn và đánh thắng”.

Không ít lần Thục Oanh phải vượt sông Sekong sang đồn Đôn Phầy của Campuchia chữa bệnh cho dân, tạo mối thiện cảm để sau này hàng hóa của ta chuyển về phục vụ cho chiến trường Tây Nguyên dễ dàng hơn. Đánh thắng trận, cả đơn vị K20 được Nhà nước khen thưởng và bà Thục Oanh được kết nạp Đảng trên bờ sông Sê Kông trước kỳ hạn 5 tháng.

“Tôi rất tự hào không hiểu vì sao lúc ấy tôi không sợ chết, không nghĩ đến chết. Không sợ bom. 3 anh em xoay cây xăng lẻ, bom ném bên này thì chạy bên kia. Tinh thần hăng hái một mực là đi giải phóng miền Nam” – bà Oanh quả quyết.

Đại tá Đậu Xuân Tường, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn Sư đoàn 470 tự hào về người nữ chiến sĩ anh hùng: “Bà Thục Oanh là trợ lý cho ông chủ Đức Phương, mua hàng ở Campuchia, Lào, Thái Lan cung cấp cho mặt trận. Bà ấy cao tuổi nhất của Sư đoàn 470, một con người từ Điện Biên vào chiến trường miền Nam, về miền Bắc...”.

Khát vọng giúp người, giúp đời

Năm 1989, bà Trần Thị Thục Oanh nghỉ hưu trở về đời thường. Bà không chọn cuộc sống an nhàn thụ hưởng tuổi già như bao người khác, mà lại dành cả phần đời còn lại để làm từ thiện, xây nhà tình nghĩa cho đồng đội và ủng hộ những người có hoàn cảnh khó khăn. Đến nay tổng số tiền bà làm thiện nguyện đã lên tới hơn 3,6 tỉ đồng.

Về hưu năm 1989, lương hưu tháng của bà Thục Oanh chỉ có hơn 62 nghìn đồng Việt Nam, không đủ nuôi 2 mẹ con. Bà xin Bộ Y tế cấp giấy phép mở phòng mạch riêng, nhưng đều lấy giá rẻ 2 nghìn đồng một ca. Ngoài ra, phòng khám chủ yếu khám và chữa bệnh miễn phí cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Từ đó, hành trình làm việc thiện và lan tỏa yêu thương muôn nơi, không mệt mỏi của bà bắt đầu.

Bà Nguyễn Thị Bích Lộc, Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Vĩnh Phúc tâm đắc với rất nhiều hoạt động thiện nguyện của bà Oanh: “Bác Thục Oanh là bác sĩ chiến trường, là một trong số 24 người còn sống của chiến dịch Điện Biên Phủ phường Vĩnh Phúc. Tại địa phương, số tiền bác ủng hộ thiện nguyện tính tiền tỷ. Đó là những công việc không khoa trương, không hình thức”.

35 năm làm từ thiện, bà Thục Oanh đã giúp đỡ cho hàng trăm, hàng nghìn trường hợp có hoàn cảnh khó khăn. Đó là câu chuyện chữa bệnh cho bà Hoàng Thị Đức bị mù cả 2 mắt ở Quyết Thắng, Tuyên Quang; chăm sóc và lo tang lễ cho mẹ liệt sĩ cô đơn Trần Thị Minh; giúp cô Xinh người nghèo ở làng Hữu Đô, Phú Thọ xây nhà tình nghĩa 35 triệu; giúp bà Nghiêm ở Sài Gòn bị viêm màng tim và suy thận 50 triệu đồng; giúp cháu Quỳnh Mai ở tập thể Kim Liên bị bỏng nặng 130 triệu đồng; làm nhà tình nghĩa cho chị Phùng Thị Thoa ở Hoài Đức, Hà Nội 70 triệu...

Ông Hoàng Đức Lộc, Chi hội trưởng Chi hội cựu chiến binh 11, phường Vĩnh Phúc cho biết, những người nào khó khăn bà đều giúp, nhất là thời kỳ bão lụt ở miền Trung, bà Oanh vào tận nơi, tặng họ 1,2 căn nhà. Tất cả việc lớn, bé, có ai đau yếu bà đều tận tình giúp đỡ.

Đau đáu về những đồng đội cùng tham gia chiến trường Tây Nguyên, năm 2010, bà Thục Oanh đứng ra thành lập hội cựu chiến binh nữ Quân y Viện 211 - B3 Tây Nguyên để thăm hỏi sức khỏe, chia sẻ những khó khăn của các chị em từ miền Nam đến miền Bắc. Đến nay bà đã xây được 15 ngôi nhà tình nghĩa cho đồng đội nghèo.

Bà Nguyễn Thị Thu Yến, Phó Ban công tác nữ - Hội Truyền thống Trường Sơn Việt Nam cho hay, chỉ cần biết một thông tin nào đó của đồng chí, đồng đội đang gặp khó khăn là bà Thục Oanh lại lên đường, lặn lội tìm đến tận nơi để giúp đỡ và chia sẻ.

“Bác Oanh giúp đỡ xây nhà dột nát ở Thái Bình, Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình. Ở Hà Nội, trường hợp chị ở Hoài Đức cô đơn không có nhà, bác giúp nguyên căn nhà 70 triệu đồng; bác giúp 50 triệu đồng chị Gái ở Huế.” – bà Yến cho hay.

Ở tuổi 90, bà Thục Oanh vẫn thường xuyên dành những phần quà, tiền dành dụm được từ đồng lương hưu tiết kiệm hàng ngày để làm những việc nghĩa tình: “Cứ hà tiện, ăn hà tiện, may hà tiện. 10 năm nay tôi chẳng may bộ quần áo mới nào. Tôi tiết kiệm từ lương hưu. Cứ thấy người ta khổ, mình thương lại cho. Có lúc đi mua rau rồi đi về còn người không”.

Từng trải qua nhiều biến cố thăng trầm đầy mất mát, thương đau trong chiến tranh nhưng không vì thế mà nữ chiến sĩ cách mạng Trần Thị Thục Oanh bi quan, phó mặc cuộc đời. 90 năm tuổi đời, 57 năm tuổi Đảng, Trung tá, cựu chiến binh Trần Thị Thục Oanh đã và đang sống một cuộc đời thật đẹp là khẳng định của Thiếu tướng Võ Sở, Nguyên phó tư lệnh chính trị binh đoàn 12, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh Việt Nam:

“Chị Thục Oanh là Hội viên thuộc Hội Trường Sơn, Sư đoàn 470, Sư đoàn anh hùng. Chị ấy có rất nhiều tâm huyết, năm nào cũng đóng góp nhà tình nghĩa. Tấm lòng chị ấy hướng về đồng đội”./.