Trong những năm 70 của thế kỷ trước khi cuộc chiến đi vào giai đoạn ác liệt nhất, nhiều chiến sĩ tham gia Chiến trường Quảng Trị, Thành Cổ 81 ngày đêm (1972), Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn Miền Nam thống nhất nước nhà 30/4/1975. Trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt ấy, có những tình đồng chí, đồng đội thật thiêng liêng trân trọng như câu chuyện của cựu chiến binh Nguyễn Lương Thái và Trịnh Hòa Bình.

Nhiều năm trôi qua, cựu chiến binh Nguyễn Lương Thái quê Quảng Bình vẫn không khỏi xúc động khi nhắc lại những kỷ niệm chiến đấu. Chiến tranh bom rơi đạn lạc, nhiều cam go vất vả như vậy, nhưng ông cùng đồng đội vẫn luôn lạc quan, yêu đời, sẵn sàng hy sinh dù không biết ngày mai mình còn sống hay không. Cựu chiến binh Nguyễn Lương Thái đi bộ đội từ ngày 6/9/1971, tham gia bảo vệ thành cổ Quảng Trị năm 1972, chiến đấu ở Buôn Mê Thuột và trận đánh vào Xuân Lộc, Đồng Nai – trận chiến lớn cuối cùng trước Đại thắng mùa xuân 30/4/1975. Người đồng đội thân thiết nhất của ông Thái ở chiến trường là cựu chiến binh Trịnh Hòa Bình, quê ở Hà Nội.

Gần 50 năm về trước, ông Thái và ông Bình cùng thuộc Trung đoàn 95, Sư đoàn 325 chiến đấu với nhau từ Quảng Trị tới Sài Gòn. Ông Bình nhập ngũ ngày 27/4/1972. Chiến tranh khốc liệt khiến nhiều đồng đội của ông Thái, ông Bình hy sinh. Hòa bình lập lại, các ông thường tổ chức các chuyến về thăm chiến trường xưa, thắp hương cho đồng đội đã nằm lại nơi đất mẹ, để không quên công lao to lớn của các liệt sĩ.

Cựu chiến binh Nguyễn Lương Thái và Trịnh Hòa Bình đều là cựu sinh viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Tự hào với lịch sử oanh liệt của các thế hệ cha anh đi trước, các ông ra đi từ mái trường Bách Khoa với 1 quyển sổ lưu bút và chiếc khăn thêu chữ “Kỷ niệm”. Sau khi được huấn luyện quân sự ở Hà Bắc 6 tháng, ông Thái, ông Bình và rất nhiều chiến sĩ xuất phát vào mặt trận miền Nam, chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị.

Đất nước thanh bình, các cựu chiến binh vẫn luôn gắn kết với nhau qua ban liên lạc các cánh quân, luôn nhớ tới những đồng đội không về, tìm kiếm phần mộ các liệt sĩ, thăm hỏi thân nhân liệt sĩ, các đồng đội bị thương tật, ốm đau.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng những dấu mốc lịch sử quan trọng ấy không thể xóa nhòa trong tâm thức những người lính cựu hôm nay. Những lời thơ trong bài “Trích ngang và hồi ức về một người lính” của cựu chiến binh Trịnh Hòa Bình khiến mỗi người như sống lại khoảnh khắc lên đường ra trận năm nào.

Dẫu bao năm tháng vẫn người chiến binh

Bây giờ đất nước yên bình

Muôn năm xưa chiến trinh một thời

Hồn về đất cũ hồn ơi

Mắt người xưa đắm lòng tôi những chiều

Khói sương hoang lạnh hồn xiêu

Vẫn nghe tiếng bước quân gieo năm nào

Nghẹn ngào và xúc động là cảm nhận của những người cựu chiến binh khi gặp lại đồng đội sau bao năm xa cách. Trong tâm khảm mỗi người luôn khắc ghi một thời máu lửa hào hùng, gác bút nghiên lên đường, thanh xuân vội bỏ lại sau lưng một lòng ra đi quyết tâm mang lại nền độc lập, tự do cho đất nước.