Trong số những hình ảnh, hiện vật thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của cựu chiến binh (CCB) Đại úy Trương Thế Hùng, nguyên Đội trưởng Đội 8 Công binh Hải quân còn lưu giữ thì chiếc bếp đun nước bằng xăng được ông coi như “bảo vật” quý. Chiếc bếp này đã gắn bó cùng ông với nhiều kỷ niệm trong những tháng ngày “mở khóa vào cửa tử” ở chiến trường Khu 4.

Sinh ra và lớn lên tại miền quê nghèo thuộc tỉnh Nghệ An, năm 1948, khi vừa tròn 18 tuổi, ông tình nguyện lên đường tòng quân đánh giặc. Trong kháng chiến chống Pháp, ông cùng đồng đội thuộc Sư đoàn 367 hành quân, tham gia hoạt động ở chiến trường Liên khu 3, 4; Liên khu Việt Bắc, Tây Bắc. Chính từ những tháng ngày gian khổ đó đã giúp ông đúc rút được kinh nghiệm trong bảo đảm “hậu cần” cho bản thân luôn được chu đáo.

Năm 1955, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Hùng được điều động về Đoàn 100 Hải quân để xây dựng lực lượng, chuẩn bị thành lập lực lượng Hải quân Việt Nam. Đến tháng 5-1955, lực lượng hải quân được thành lập, ông được cử sang Trung Quốc học về nguyên lý cấu tạo, hoạt động, tính năng kỹ thuật, chiến thuật của thủy lôi. Từ năm 1955-1957, ông Hùng được cử làm phiên dịch kiêm trợ giáo lớp huấn luyện về thủy lôi cho học viên Hải quân Việt Nam tại Trung Quốc...

Đầu năm 1967, nhằm làm tê liệt đường vận chuyển trên tuyến đường sông biển miền Bắc của ta, giặc Mỹ đã sử dụng máy bay thả một số lượng lớn thủy lôi MK-50, MK-52, bom từ trường xuống hầu hết các cửa sông ở Khu 4. Chúng tập trung “bịt lấp” các cửa sông lớn như: Sông Mã (Thanh Hóa); cửa Hội (Nghệ An); sông Gianh, sông Nhật Lệ (Quảng Bình) và hơn 20 cửa sông khác. Để nghiên cứu và hóa giải những quả thủy lôi này, Bộ tư lệnh Hải quân đã tìm những cán bộ có trình độ và kinh nghiệm về vũ khí dưới nước. Đại úy Trương Thế Hùng, một trong những sĩ quan trẻ được lựa chọn để đảm đương nhiệm vụ quan trọng, nguy hiểm này. Bởi anh là cán bộ có kinh nghiệm, đã từng phiên dịch cho các đoàn học sinh đi huấn luyện, tiếp nhận tàu ở một số nước và các đoàn chuyên gia, cán bộ quân sự trong và ngoài nước tham quan, huấn luyện, trao đổi kinh nghiệm về vũ khí dưới nước…

Ông kể, trước lúc vào Khu 4 nhận nhiệm vụ nghiên cứu thủy lôi địch, để chuẩn bị đầy đủ cho chuyến đi dài ngày này ông dự định ngoài quân tư trang, lương khô được cấp sẽ tìm một chiếc bếp nhỏ gọn, có thể đun nước sôi, pha cà phê, nấu mì tôm... CCB Trương Thế Hùng chia sẻ, vào một buổi sáng cuối mùa Thu năm 1967, ông dạo quanh các phố của Hải Phòng tìm mua một số đồ dùng cá nhân. Tình cờ, ngay ở chợ cóc gần khu thảm len (nay là khu Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng), ông tìm được chiếc bếp nấu nhỏ, gọn theo đúng ý mình đã ấp ủ từ bấy lâu nay. Bếp này do Liên Xô sản xuất, được một du học sinh Việt Nam mang về và bán ngoài chợ.

Bếp làm bằng nhôm cấu tạo đơn giản, được đặt trong hộp nhỏ có kích thước 15cm x 15cm, có bình chứa nhiên liệu, dung tích khoảng hơn 100ml, có nút điều chỉnh to nhỏ, kèm theo là 1 cờ lê, phễu. Điều quan trọng hơn là bếp đặt vừa trong cặp lồng, nắp cặp lồng có thể dùng để đun, nấu. Chiếc bếp đó đã theo sát ông Trương Thế Hùng trong những ngày chiến đấu ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.

Nhận nhiệm vụ vào chiến trường, ông Hùng cùng 2 đồng đội khác cơ động bằng xe đạp cùng balô hành lý, vượt quãng đường hơn 400km từ thành phố Cảng vào Nghệ An. Dọc tuyến đường rực lửa, vô cùng ác liệt, giữa cái sống và cái chết của người lính chỉ trong giây lát, chiếc bếp đã giúp ông nấu mì tôm và pha nước trà trong lúc nghỉ dừng chân, tiếp thêm sức mạnh để chiến đấu. Mỗi khi sắp hết xăng, gặp các đồng đội vận tải ông lại xin chút xăng cho vào chai nhựa là xong.

Phụ trách đội rà phá thủy lôi từ Nghệ An vào Quảng Bình, ông đạp xe cơ động vượt đèo Ngang. Ông kể tuyến đường trên đèo Ngang nguy hiểm lắm. Trên thì máy bay quần lượn trinh thám, dưới biển pháo hạm bắn phá lên. Con đường độc đạo, bom đạn cày xới, mỗi khi vượt qua đây là một thử thách lớn với người lính. Hết dắt xe, rồi lại đạp, tối đêm ông ngủ lại ven rừng. Dừng chân, bếp không khói lại được nổi lửa, vài phút là có cốc nước sôi pha mì tôm, tiếp sức để ông cơ động nhanh đến nơi làm nhiệm vụ.

Một kỷ niệm không bao giờ quên đối với CCB Trương Thế Hùng là ở chiến trường Quảng Trị. Lúc đó, Mỹ tăng cường củng cố hệ thống “hàng rào điện tử Mắc-na-ma-ra", ông cùng với đoàn cán bộ của Bộ tư lệnh Công binh đã vào trinh sát, nghiên cứu để tìm cách vô hiệu hóa, giúp cho bộ đội Đoàn 126 (nay là Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126) chiến đấu thắng lợi. Ngay dưới hầm bí mật ở Cát Sơn (Nam Cửa Tùng), trong lòng địch, nhiều đêm ông tiếp tục nổi lửa đun nước pha trà, cà phê, nấu mì mà địch không thể nào phát hiện được…

Ông Nguyễn Văn Vê đã từng tham gia chiến đấu với CCB Trương Thế Hùng khi được xem những hình ảnh, tư liệu và chiếc bếp “bảo vật” cảm nhận: “Tôi rất khâm phục đồng chí Hùng, người cán bộ luôn chu toàn, tươm tất với đồng đội trong chiến đấu và cuộc sống đời thường. Mỗi một hình ảnh, hiện vật đồng chí Hùng còn lưu giữ đến nay đều có ý nghĩa sâu sắc về giá trị lịch sử và nhân văn”.

(Theo qdnd.vn)