Trong căn phòng tập thể tầng 2 của Hội Mỹ thuật Việt Nam ở phố Thành Công, Hà Nội, vợ chồng họa sĩ Nguyễn Bằng Lâm và Mai San sống thật yên bình và hạnh phúc. Dù diện tích căn hộ tập thể không rộng nhưng chứa vô số tranh của cả hai người. Đáng kể nhất trong gia sản của họa sĩ Nguyễn Bằng Lâm chính là những bức tranh về biển và những người lính hải quân. Vị mặn mòi của biển, những con thuyền lênh đênh trên sóng nước cùng với hình ảnh người lính đảo dường như đã gắn bó máu thịt với ông.

Cũng bởi đam mê và gắn bó với biển nên ông là một trong số những người lính ra đảo Trường Sa nhiều nhất thời kì đó. Ông có 8 lần đặt chân lên đảo. Mỗi lần ra đảo sống cùng những người lính hải quân đem đến cho Nguyễn Bằng Lâm những trải nghiệm chân thật nhất về cuộc sống nơi đây. Từ việc thiếu lương thực thực phẩm, đến việc thiếu tình cảm gia đình đã được họa sĩ chuyển tải vào những bức tranh của mình: “Tôi thấy nơi mà tôi yêu mến và quý nhất để mình sáng tạo và có cơ hội phát triển đó là hải quân nhân dân Việt Nam và trong truyền thống của lính hải quân có lời dạy của Bác: “Bờ biển của ta dài và tươi đẹp, ta phải giữ lấy”. Câu nói đó đã thấm sâu trong tâm trí thúc giục tôi phải sáng tạo, phục vụ chiến sĩ mình nhiều hơn để giúp họ có tinh thần chiến đấu gìn giữ biển trời quê hương".

Họa sĩ Bằng Lâm có hàng nghìn tác phẩm về người lính biển. Có thể kể đến trong số đó là các tác phẩm tranh sơn dầu “Bác Hồ với chiến sĩ Hải quân”, “Đọc báo trên đảo”, “Cây phong ba và người lính đảo”, “Khúc hát dân ca trên đảo”, “Lính thủy với mặt trời”. "Làm thế nào để thể hiện về biển của mình giàu đẹp nhưng luôn bão tố, kẻ thù luôn rình rập ngày đêm”, họa sĩ Bằng Lâm chia sẻ.

Họa sĩ Bằng Lâm sinh ra trong gia đình có truyền thống yêu nước và cách mạng. 20 tuổi, ông nhập ngũ vào Tiểu đoàn 7,Trung đoàn 102 Sư đoàn 308 và chiến đấu ở nhiều mặt trận. Sau đó, ông về Tổng cục Chính trị rồi làm trợ lý Tuyên huấn Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Hải quân. Từ năm 1988 đến khi nghỉ hưu, ông là cán bộ Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam mang quân hàm Đại tá. Dù ở cương vị nào, họa sĩ Nguyễn Bằng Lâm với cây cọ và chiếc máy ảnh vẫn mang tình yêu nồng nàn với biển đảo Tổ quốc. Cho đến giờ, ông cũng không nhớ mình đã vẽ được bao nhiêu tác phẩm về đề tài này, chỉ biết rằng 80% số ảnh và tranh trong Bảo tàng Hải quân Việt Nam là của ông. Đó thực sự là đóng góp không nhỏ của họa sĩ- chiến sĩ Nguyễn Bằng Lâm đối với nền mỹ thuật và hải quân nước nhà.

Ở tuổi 80, họa sĩ Nguyễn Bằng Lâm vẫn tiếp tục cầm cọ vẽ những tác phẩm về biển. Nếu như lúc trước, các sáng tác của ông thiên về hiện thực thì ở độ tuổi này, ông phát triển theo hướng sáng tác mới, có tính khái quát tập trung và biểu đạt để phù hợp với sự phát triển của nền nghệ thuật tiên tiến. Đánh giá về người họa sĩ mang màu áo lính, nhà phê bình mỹ thuật Trần Thị Quỳnh Như bày tỏ: “Họa sĩ Bằng Lâm là người yêu đất nước, Tổ quốc và nhân dân thiết tha. Trong các mảng sáng tác về hội họa, tôi tâm đắc các tác phẩm về biển của anh. Nét vẽ khỏe khoắn mạnh mẽ, hình tượng người lính hải quân trong sáng, mạnh mẽ".

Phía sau sự nghiệp nghệ thuật của đại tá, họa sĩ Nguyễn Bằng Lâm không thể không kể đến sự chung sức thầm lặng của họa sĩ Mai San, người bạn đời của ông. Cũng bởi sự đồng điệu trong tâm hồn mà những tác phẩm của ông luôn nhận được lời khen ngợi của bà: “Anh Lâm cũng thích cách vẽ của tôi mà tôi cũng thích cách thể hiện của anh, nói chung là tâm đầu ý hợp. Mặc dù tuổi già nhưng tính chúng tôi còn trẻ trung lắm, đi được đến đâu là chúng tôi đi cùng nhau. Hợp nhau ở cả quan niệm về mỹ thuật, về nghệ thuật, cách thể hiện, về tranh. Do đó chúng tôi sống với nhau hạnh phúc cho đến bây giờ".

Mới đây, tranh của đại tá họa sĩ Nguyễn Bằng Lâm lại được trưng bày cho công chúng yêu nghệ thuật trong triển lãm của Hội Mỹ thuật Việt Nam tại 16 Ngô Quyền, Hà Nội. Điều đó cho thấy, dù đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng ông vẫn dành tình yêu cho và sức sáng tạo nghệ thuật cho biển đảo quê hương. Đó cũng chính là cách mà ông lan tỏa tình yêu biển đảo đến những người lính hải quân hôm nay để bảo vệ vững chắc vùng trời biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc./.

Mời quý vị và các bạn nghe bài viết trong clip âm thanh

sau: