Ký ức chiến tranh, với mỗi người lính từng tham gia chiến đấu, sẽ là rất khác nhau. Chỉ một kỷ niệm nhỏ ở chiến trường khốc liệt nhất của người từng chiến đấu ở Quảng Trị - cựu chiến binh Mạc Yên - cũng đủ cho thấy sức chịu đựng, sự quả cảm phi thường của những người lính năm nào. 30/4, xin đừng quên sự hy sinh của cha anh.

Các cựu chiến binh của chiến dịch Quảng Trị 1972 đều không hổ thẹn khi được truy phong danh hiệu Anh hùng. Tháng Tư hằng năm, nhớ chiến trường Quảng Trị, tôi luôn có ý nghĩ ấy. Tháng Tư năm nay tôi nhớ đến một người anh hùng: anh hùng không phải vì có chiến công lừng lẫy mà vì những chiến công thầm lặng trong đại đội của tôi: bác sỹ Vũ Quang Phán - người đã băng bó, cứu tôi ở cao điểm 132 - Động Ông Do, gần thành Quảng Trị.

Tháng 9 năm 1971 chưa kịp nhận bằng tốt nghiệp, ông Phán tình nguyện nhập ngũ. Vào chiến dịch trường ai cũng biết ông là bác sỹ, nhưng đơn vị không bắt ông phải tiêm thuốc, băng bó cho thương binh. Mọi việc đã có y tá trong đơn vị gánh vác. Lý do là vì ông tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp chuyên ngành Chăn nuôi, nên phải gọi cho cạn nhẽ: ông là bác sỹ thú y.

Tháng 8 năm 1972, có lẽ vì mưa lũ dài ngày, hầm cứu thương bị sập, y tá đại đội tôi bị chấn thương cột sống, phải ra Vĩnh Linh điều trị. Không còn y tá, ông Phán phải nhận nhiệm vụ thay thế. Qua tay ông, nhiều thương binh được sơ cứu, băng bó, nhiều tử sỹ được gói ghém chu đáo.

Tôi nghe anh em xì xào: ông này băng bó không khéo lắm nhưng nói thì rất khéo, ai bị thương khi nghe ông nói cũng thấy đỡ đau. Tôi bán tín bán nghi, cho rằng mọi người nịnh ông nên nói động viên như vậy. Nhưng đến một ngày nọ, tôi đã kiểm chứng điều đó là thật.

Cuối tháng Tám, sau một đợt B52 chụp xuống, tiếp đến trận pháo giàn, tôi bị thương chi chít nửa người trên. Đạn pháo giàn Nhan Biều bắn trúng chỗ tôi nấp, xé rách hết cả quần áo. Khói tan, tôi sờ khắp người thấy chỉ còn sót lại dây lưng nhựa. Ông Phán lau bùn đất, băng bó cho tôi. Tôi bị một mảnh pháo nhỏ đục thủng hộp sọ, sâu vào não khoảng gần 2 cm. Mảnh thứ hai chỉ sượt da đầu nhưng máu chảy rất dữ. Đầu tôi to nên hai vết thương ở đầu quấn rất tốn băng, đến hai vết cổ tay, ông Phán phải xé khăn mặt ra băng tạm.

Thấy tôi run quá, tai lại bị thủng nhĩ, điếc đặc, nên ông Phán phải quát lên: mày ngồi im tao tiêm cho phát trợ lực. Tôi thấy cái mũi tiêm to, đoán là kim tiêm lợn, nhưng cũng chả dám nói gì. Khác với lời đồn, khi ông tiêm, tôi không thấy đau đớn gì. Có thể các vết thương mất máu đã làm tôi mất cảm giác. Mảnh đạn pháo còn nằm trong đầu thì cái kim ông Phán cầm trong tay be bé kia chọc ngoài bắp tay có ý nghĩa gì.

Nghe theo ông, tôi lấy cái quần của tử sỹ vứt lại, xỏ vào cho ấm, đỡ run, rồi ngồi chờ. Tôi chờ ông Phán lên tiếng, nói những lời hay ho, động viên thương binh như mọi người vẫn bảo. Chờ mãi, đến tận lúc có người cáng đi, tôi mới nghe ông nói một câu cộc lốc: “Mày sống rồi”.

Dọc đường đến trạm quân y, nằm trong cáng một lúc đến khi thấy hồi sức, tôi nhảy xuống tự đi để khỏi làm vất vả đồng đội, cũng là để đề phòng bị hai ông cáng thương giật mình vứt cáng xuống tránh đạn. Vừa dò dẫm bước, tôi vừa cắt nghĩa ba tiếng ông Phán quát vào tai tôi trên chốt. “Mày sống rồi” – ông bảo thế nghĩa là tôi bị thương nhiều chỗ đấy, bị cả vào não đấy nhưng không chết được đâu à? Nói thế thì bằng dọa tôi à? Nói thế mà gọi là nói khéo à?

Bảy ngày sau, khi nghe anh em thương binh trong trạm phẫu trò chuyện, tôi mới hiểu: ba tiếng ông Phán kêu, tiễn tôi khi ấy là lời chúc mừng tôi thoát chết. Chúc mừng tôi đã “hoàn thành nhiệm vụ”, ra Bắc.

Kết thúc chiến tranh, chúng tôi chia tay nhau rồi mấy chục năm liền biệt vô âm tín. Mấy năm gần đây mới có dịp gặp lại ông. Tôi nhìn ông như một ân nhân. Hóa ra mũi tiêm ông tiêm cho tôi hôm ấy không phải là thuốc mà chỉ là nước cất. Ông bảo: thấy mày run, tao lấy nước cất bơm vào cho mày đỡ hoảng thôi.

“Lấy đâu ra thuốc bấy giờ. Trung đoàn có cấp phát kịp đâu. Cử thằng nào đi lấy là chẳng thấy thằng nào về…”. Tôi khen ông là bác sỹ thú y mà thành “bác sỹ nhân y” thực thụ. Ông Phán cười: “Vẫn là thú y thôi, vì chúng mình khi đó đánh nhau cũng có lúc phải như bầy thú. Tao tiêm cho mày cũng như tiêm lợn. Đại đội mình lúc vào mùa mưa bị sập hầm, sống khác gì đàn lợn đâu, hết chiến tranh mới được trở lại cuộc sống bình thường…Thôi, đất nước thống nhất rồi, tao nói thế cũng không “mất quan điểm” chứ ?”. Mỗi lần gặp nhau ông hay hỏi thế rồi phá lên cười.

Chúng tôi vẫn tự phong mình là những “anh hùng be bé” và giờ đều đã về hưu. Ông Phán vẫn nhớ tên thương binh mình băng bó năm xưa, Tết nào ông cũng gửi cho tôi cân thịt lợn sạch kèm mấy cân gạo Tám quà quê, kèm theo lời dặn: “Ăn để bù cho những ngày Quảng Trị”…