Góp phần vào chiến thắng lịch sử của con đường Trường Sơn huyền thoại là bao mồ hôi, nước mắt và xương máu của hơn hai vạn nữ chiến sĩ khắp cả nước. Với cựu chiến binh Nguyễn Thị Phương Liên ở khu Quang Trung 1, xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, ký ức về những năm tháng chiến đấu gian khổ và sự hy sinh anh dũng của đồng đội - những nữ chiến sĩ tuổi mười tám, đôi mươi vẫn còn vẹn nguyên.

Đồng chí ơi đã bao người nằm xuống

Nơi tuyến đầu lịch sử khắc tên anh

Đường Trường Sơn mưa rừng không muốn tạnh

Mùa khô này lá đỏ rực đại ngàn

Tiễn đưa nhau nước mắt chứa chan

Tình đồng chí thật thiêng liêng cao quý...

Trở về sau những năm tháng làm nhiệm vụ trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, cựu chiến binh Nguyễn Thị Phương Liên vẫn mang trong mình trăn trở về đồng đội năm xưa. Từng kỷ niệm được bà gửi vào thơ để tỏ rõ nỗi lòng. Qua những vần thơ, một vùng ký ức rực lửa về đường Trường Sơn nửa thế kỷ trước như được tái hiện lại.

Tháng 1/1973 sau khi Hiệp định Pari được ký kết, Mỹ phải rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, thế nhưng chúng lại chuyển giao các căn cứ quân sự cho chính quyền Sài Gòn, đồng thời viện trợ một lượng lớn vũ khí, khí tài nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu kéo dài chiến tranh ở miền Nam nước ta. Trước sự ngoan cố của quân địch, những nữ chiến sĩ Trường Sơn quyết tâm vững tay lái, chắc tay súng với niềm tin cuộc đấu tranh của dân tộc sẽ đến ngày toàn thắng.

“Đó là trận bom đánh vào trung đoàn bộ đóng tại Bản Đông. Lúc ấy tôi ở cách tiểu đoàn khoảng mấy chục km, đi bộ đường rừng khoảng chừng 2 ngày. Đơn vị bị lộ từ tín hiệu của chiếc Đài 2W, địch đánh bom phát quang, giải thảm khiến hàng chục người hy sinh” - Bà Liên nhớ lại. Trận bom khốc liệt ấy đã cướp đi rất nhiều đồng đội thân thiết của bà, có những người bị bom vùi lấp phải 2-3 ngày sau mới tìm thấy.

Những lời tâm sự của cựu chiến binh Nguyễn Thị Phương Liên như đưa mỗi người ngược dòng lịch sử trở lại một thời khói bom, lửa đạn của dân tộc. Chiến tranh đã lùi xa nhưng mỗi lần gặp gỡ đồng đội từng vào sinh ra tử, bà như được sống lại tuổi trẻ năm nào. Trong số hàng vạn cô gái tuổi mười tám, đôi mươi lên đường nhập ngũ có nhiều người con của Bắc Ninh như bà Liên và đồng đội của bà, chị Nguyễn Thị Ba. Giữa chiến trường khốc liệt, các nữ chiến sĩ Trường Sơn chung sức đồng lòng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhưng cũng có hàng trăm người vĩnh viễn nằm lại với đại ngàn Trường Sơn. Trong số rất nhiều đồng đội hy sinh đến từ các miền quê khác nhau như Hải Phòng, Hà Bắc, Thái Bình...bà Liên nhớ nhất liệt sĩ Nguyễn Thị Ba người Hiệp Hòa, Hà Bắc. Bà Liên kể: Nguyễn Thị Ba ngày ấy tràn đầy tình yêu và sức sống đã gác lại nỗi nhớ quê hương, gia đình để lên đường đánh giặc, đến lúc hy sinh vẫn nắm chặt trong tay lá thư còn dang dở.

Nhiều năm trôi qua, bà không quên được nụ cười rạng rỡ của chị Ba và cả những khoảnh khắc chan chứa tình đồng đội. Bà luôn tiếc nuối người bạn dũng cảm, giỏi giang, đang xây dựng chiến sĩ quyết thắng thì không may hy sinh. Những kỷ niệm cùng sinh hoạt, huấn luyện với nhau suốt những tháng ngày ở Quảng Ninh với nữ chiến sĩ Nguyễn Thị Ba là những ký ức đẹp nhất. Thường xuyên đối mặt với cái chết nhưng họ vẫn giữ cho nhau khoảng trời tuổi trẻ lãng mạn, lạc quan trong những phút giây nghỉ ngơi hiếm hoi giữa cuộc chiến.

Mỗi lần đọc lại bài thơ “Đồng chí ơi”, cựu chiến binh Nguyễn Thị Phương Liên lại không kìm được sự xúc động khi nhắc về người đồng đội Nguyễn Thị Ba. Với bà, “bông hồng thép” Nguyễn Thị Ba đã sống, chiến đấu và hy sinh bằng sự can đảm, bền bỉ và cả những khát vọng của tuổi trẻ để bảo vệ con đường huyết mạch - quyết thắng của dân tộc.

Nấm mộ anh cắm nhành hoa dại để

Thay nắm nhang heo hắt buổi chiều tà

Hơn bốn mươi năm dĩ vãng lùi xa

Mà em ngỡ mới hôm qua vừa đó

Anh ngã xuống để hôm nay cờ đỏ

Bóng rợp trời trong mắt mẹ tôi yêu./.