Sau năm 1975, tình hình biên giới Tây Nam và phía Bắc nước ta ngày càng thêm căng thẳng và phức tạp. Ngày 24/8/1978, gần 100 thành viên ở nhiều lứa tuổi với các thành phần: công nhân, nông dân, bộ đội xuất ngũ…được huy động vào đại đội do Ban Chỉ huy quân sự thành phố Việt Trì thành lập và huấn luyện. Trong đội hình đó có Trần Trọng Tấn, quê xã Minh Nông, thành phố Việt Trì.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, ngày 13/9/1978, số tân binh này được điều động vào Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 168 pháo binh do Quân khu II thành lập. Sau hơn một tuần tiếp nhận làm quen vũ khí khí tài Pháo lựu 122 và Hỏa tiễn H12, tiểu đoàn được lệnh điều động lên biên giới thuộc huyện Mường Khương và đổi tên thành Tiểu đoàn 30, trực thuộc Tỉnh đội Hoàng Liên Sơn. Nhiệm vụ của đơn vị là hỏa lực phối hợp chiến đấu với Trung đoàn 254 bộ binh án ngữ tuyến biên giới thị xã Lào Cai và toàn bộ tuyến đường biên Mường Khương, bao gồm các xã Bản Cầm, Bản Phiệt, Na Lốc, Pha Long. Ngày 25/9/1978, tiểu đoàn tập kết, triển khai đội hình sẵn sàng chiến đấu tại địa bàn xã Bản Cầm.

Chiến tranh biên giới nổ ra. Với cương vị khẩu đội trưởng Trần Trọng Tấn trực tiếp cùng khẩu đội đã mưu trí, dũng cảm chiến đấu trên đường Hữu Nghị 7 (nay là Quốc lộ 70) và lập nhiều thành tích xuất sắc, cá nhân Anh được được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba. Lúc này, Sư đoàn 355 được thành lập (ngày 04/5/1979), đơn vị của Anh được điều động sáp nhập vào sư đoàn và Trần Trọng Tấn được cử đi học tại trường Hậu cần Quân khu II. Tháng 9/1979, kết thúc khóa học, Anh được điều về Ban Hành chính của sư đoàn. Tại đây, anh làm quen, kết thân với nữ quản lý bếp ăn sư đoàn bộ Nguyễn Thị Xuân, quê xã Liên Châu, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, và sau này họ nên duyên chồng vợ.

Năm 1983, Trần Trọng Tấn được chuyển ngành về công tác tại Công ty Quản lý đường Việt Trì. Phát huy bản chất “Bộ đội Cụ Hồ” và những gì đã được rèn luyện trong chiến đấu, anh luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Được đồng nghiệp quí mến, cấp trên tin cậy, anh Tấn đã đảm nhiệm tốt các cương vị từ Phó Bí thư, Bí thư chi bộ, Thư ký Công đoàn bộ phận, ủy viên Ban Chấp hành công đoàn cơ sở. Năm 1991, do tình hình chung về việc sắp xếp lao động và tinh giảm biên chế, cựu chiến binh Trần Trọng Tấn đã tự nguyện làm đơn xin nghỉ theo chế độ 176.

Về đời thường, CCB Trần Trọng Tấn đã tham gia nhiệt tình các công tác xã hội ở địa phương và trải qua 08 năm làm Tổ phó, Tổ trưởng Nhân dân; 10 năm làm Trưởng ban công tác Mặt trận kiêm Phó Khu dân cư; hơn 08 năm làm Trưởng khu - Phó Bí thư chi bộ bộ, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng khu; Phó Ban bảo vệ dân phố phường Gia Cẩm; Đại biểu HĐND phường khóa VIII(2016-2021). Trên mọi các cương vị công tác, anh luôn hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ, được chính quyền địa phương, bà con nhân dân tín nhiệm. Nhiều năm liền được phường và thành phố tặng Giấy khen, Bằng khen và được Bộ Công an tặng thưởng Kỷ niệm chương “Vì An ninh Tổ quốc”.

Người luôn sát cánh cùng anh là cựu chiến binh Nguyễn Thị Xuân (nguyên chiến sỹ của Trung đoàn 254). Ngoài việc động viên chồng làm tốt công tác xã hội, chị chủ động lo liệu việc gia đình và cùng chồng phát triển kinh tế đảm bảo cuộc sống gia đình và gương mẫu, tích cực tham gia nhiệt tình nhiều hoạt động phong trào tại địa phương như: Cộng tác viên y tế, dân số; Chi Hội trưởng phụ nữ và làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm vay vốn nhiều năm…Trong những năm công tác, chị đã đề xuất và chủ trì nhiều mô hình phong trào trong Chi hội Cựu chiến binh, Chi hội Phụ nữ và luôn được đoàn thể cấp trên đánh giá là cán bộ hội năng động tích cực; được bà con Nhân dân trong khu dân cư và hội viên quí mến, tin tưởng. Nhiều năm liền cựu chiến binh Nguyễn Thị Xuân được phường Gia Cẩm và thành phố Việt Trì khen thưởng. Từ năm 2012 đến 2016, chị Xuân là đại biểu HĐND phường Gia Cẩm Khóa VII…

Đến nay, mặc dù đời sống kinh tế gia đình anh chị không khá giả giàu có gì, nhưng vợ chồng anh chị vẫn luôn bằng lòng với cuộc sống của mình, tiếp tục vượt lên khó khăn vất vả, nhiệt tình với công tác xã hội, họ luôn giữ đam mê để có một gia đình hạnh phúc và luôn gắn bó tâm huyết với đồng đội.