“Động lực của tôi nó đơn giản lắm, cứ đem được niềm vui cho mọi người, giúp họ bớt đi phần nào nỗi bất hạnh trong cuộc đời thì mình vui. Cứ ngồi trên xe máy đi suốt, hết ngày này qua ngày khác, các cháu chở nó bảo “Con nói thật với bà, chẳng ai nghĩ bà bị ung thư di căn xương, suốt ngày trên từng cây số”. Bà là Phan Thị Bính, cư dân ở Bán đảo Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội bắt đầu câu chuyện như thế khi kể về hành trình thiện nguyện 21 năm của bà.

21 năm qua, bà Bính đã làm được rất nhiều việc ý nghĩa để giúp đỡ người nghèo, người neo đơn, xây dựng cầu đường, làm điểm trường cho học sinh miền núi, nấu cơm, cháo miễn phí tặng các bệnh nhân; ủng hộ bão lụt miền Trung... Xuất phát từ mong muốn giúp cho người nghèo có cuộc sống mạnh khỏe, hạnh phúc hơn, năm 2018, bà Bính bán mảnh đất của gia đình ở Cam Ranh, Khánh Hòa với giá hơn 1 tỷ đồng để mua xe cứu thương vận chuyển bệnh nhân miễn phí.

Bà Bính kể năm 2018 có một sự việc đã thôi thúc bà phải mua bằng được chiếc xe cứu thương miễn phí. Đó là câu chuyện về cháu bé 6 tháng tuổi ở Bệnh viện Nhi TW, vì không có tiền thuê xe chở đi bệnh viện nên cháu đã không may mất ở dọc đường. Rồi trường hợp người anh trai chở xác em gái bằng xe máy về quê an táng do không có tiền thuê xe ô tô. Tất cả những hình ảnh ấy khiến bà Bính vô cùng xót xa và ám ảnh. Ngay lúc ấy, bà nảy ra ý nghĩa bằng mọi giá phải mua được một chiếc xe chuyển bệnh miễn phí cho những bệnh nhân nghèo.

Nói là làm bà khăn gói vào An Giang, miền Tây Nam Bộ để học hỏi cách làm mô hình rồi quay chở ra Hà Nội thực hiện ngay. Thời gian đầu có anh Mai Văn Toàn, lái xe ở miền Tây Nam Bộ ra hỗ trợ bà Bính chở bệnh nhân. Sau bà Bính công khai thông tin trên mạng xã hội Facebook nên nhận được rất nhiều cuộc gọi đăng ký của nhiều lái xe. Dù làm không lương, nhưng các lái xe đều tỏ ra rất hào hứng khi được đóng góp một phần công sức làm thiện nguyện.

Vậy là từ tháng 12/2018, chiếc xe đã đi vào vận hành. Thời gian đầu bà Bính thường liên hệ với Phòng công tác xã hội của các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội để lấy danh sách những bệnh nhân nặng, hoàn cảnh khó khăn hoặc là mất rồi. Bất kể ở bệnh viện nào trên địa bàn Hà Nội về các tỉnh miền núi, Tây Bắc hoặc miền Trung bà đều tiếp nhận. Không ít lần bà đi cùng với lái xe chở bệnh nhân về tận nhà ở các tỉnh xa. Bà Bính chia sẻ “Làm cái việc này hết sức tâm huyết, dồn hết tâm trí vào lo công việc. Ví như tôi là người trực điện thoại 24/24. Đêm hôm người ta cũng gọi, bất kể lúc nào cũng phục vụ”.

Mỗi ngày bà Bính nhận được hàng chục cuộc gọi từ trạm y tế phường Hoàng Liệt để chở bệnh nhân F0 tới bệnh viện hoặc cơ sở thu dung, điều trị. Ca F0 lần này là Trần Quốc Huy, sinh năm 1994 ở chung cư HH3B Linh Đàm. Ngay khi nhận được cuộc gọi, bà Bính đã điều xe tới đón Huy ngay. “Em rất biết ơn tấm lòng của cô Bính, nhất là trong thời điểm dịch bệnh khó khăn vẫn không ngại giúp đỡ những bệnh nhân F0 như em” - Huy cho biết.

Lái xe chở Huy là anh Nguyễn Công Huân. Trước khi đi anh Huân thường trang bị đầy đủ đồ bảo hộ, đảm bảo tốt công tác phòng chống dịch, tránh lây nhiễm. Hàng ngày, anh Huân làm công việc tự do nhưng cứ có cuộc gọi của bà Bính là anh sẵn sàng gác lại mọi việc để đồng hành cùng bệnh nhân F0. Trước thời điểm dịch bệnh, những lái xe như anh Huân đã từng chở rất nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở các tỉnh thành khắp cả nước. Nguyễn Đức Trí, một bệnh nhân bị liệt quê ở Nam Định, từng được xe cứu thương chở cách đây 2 năm nhớ lại: “Tôi là bệnh nhân khó khăn, nghe thấy cô Bính có xe từ thiện chở bệnh nhân, tôi điện thoại thì có tài xế tới đón luôn. Người nhà tôi gợi ý biếu bồi dưỡng nhưng anh ấy nhất quyết không nhận”.

Các ca F0 ngày càng tăng với mức độ lây nhiễm cao. Dù vậy, những lái xe như anh Phạm Đức Tùng vẫn chẳng quản ngại khó khăn, sẵn sàng lên xe khi có cuộc gọi. “Lái xe cho bệnh nhân Covid tôi thực hiện đúng theo hướng dẫn của bệnh viện và đơn vị y tế nên tôi rất tự tin, không lo lắng gì” – anh Tùng chia sẻ. Anh Tùng cũng không quên bảo vệ bản thân bằng khẩu trang, khử khuẩn, tấm chắn giọt bắn và tuân thủ thực hiện 5K. Ở trên xe cũng trang bị vách kính ngăn tiếp xúc giữa tài xế và bệnh nhân.

Trong thời gian dịch bệnh căng thẳng, bà Bính còn hỗ trợ lương thực thực phẩm, khẩu trang, nước khử khuẩn...cho phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội...Nhất là thời điểm dịch bệnh bùng phát ở Bắc Giang, Bắc Ninh, TP HCM và các tỉnh miền Nam. Để có kinh phí hỗ trợ bà lấy từ tiền tiết kiệm của gia đình và cả từ phần thường “Công dân Thủ đô ưu tú năm 2021” và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ mà bà vinh dự được nhận.

Cuối năm 2020, bà còn tham gia đồng tài trợ xây một ngôi trường và một cây cầu ở tỉnh An Giang. Năm 2021, bà tham gia xây một điểm trường cho học sinh dân tộc Vân Kiều ở xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Vì dịch bệnh nên cả động thổ và khai trương bà đều không vào được, nhưng bà rất vui vì trường đã đi vào hoạt động, các em học sinh có một ngôi trường khang trang để học tập và vui chơi.

Nhiều người còn biết đến bà qua những bếp ăn từ thiện được tổ chức thường xuyên tại nhiều bệnh viện. Tháng 3/2019 bà mở tổ cháo, tới tháng 5 thì mở tổ cơm. Toàn bộ được bà và nhóm thiện nguyện “Từ Tâm” phát miễn phí cho các bệnh nhân ở nhiều bệnh viện.

Như có duyên với những bệnh nhân, bà còn kêu gọi mổ mắt miễn phí cho hơn 400 người bị đục thủy tinh thể. Bà Bính kể đây là một công việc hết sức khó khăn, bởi bản thân bà không hiểu về chuyên môn và các kiến thức y khoa. May mắn bà đã nhận được sự trợ giúp của Bệnh viện mắt Hà Nội. Vậy là nhóm thiện nguyện của bà đóng góp vật tư y tế, thuốc men cho bệnh nhân, còn các bác sĩ hỗ trợ thực hiện mổ cho các bệnh nhân. Khi hoạt động này thành công, bà Bính rất phấn khởi: “Tôi cứ làm được cái gì giúp được cho ai phần khó khăn, bớt đi cái đau khổ, bớt đi cái bất hạnh trong cuộc đời của họ, tự nhiên tâm mình thấy vui lắm”.

Cuối năm 2019, bà Phan Thị Bính lại bán thêm một mảnh đất của gia đình ở Đà Nẵng trị giá hơn 1 tỷ để mở nhà thuốc Đông y khám chữa bệnh miễn phí cho các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ. Bà Bính dự định năm 2020 thì triển khai nhưng không may do dịch bệnh Covid-19 phức tạp, bản thân bà lại phải điều trị bệnh ung thư nên kế hoạch đành tạm hoãn lại. Năm 2021, khi sức khỏe tạm ổn bà Bính lại tiếp tục công việc và may mắn đã tìm được mặt bằng để mở nhà thuốc Đông y nằm trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Mọi điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, kinh phí... đã được bà Bính chuẩn bị sẵn sàng trong 2 năm qua. Bà Bính hy vọng ra Tết, nhà thuốc sẽ đi vào hoạt động: “Làm nhà thuốc đông y tôi thấy là “cứu một người phúc đẳng hà sa”, mà giúp cho người ta khỏi bệnh không mất tiền thì quý quá. Tôi thân mang trọng bệnh nhưng từ niềm vui của công tác từ thiện nên đó làm cho tâm mình vui an lạc, bệnh tình mình cũng hạn chế” – bà Bính tâm sự.

Ít ai biết bà Bính đã trải qua 4 lần xạ trị và phẫu thuật, thế nhưng bà luôn có tinh thần rất lạc quan, bà chia sẻ: “Với những người đang mang trọng bệnh đừng bao giờ bi quan, hãy lạc quan lên và làm được việc thiện dù nhỏ là cũng làm. Mang niềm vui cho mọi người là tự nhiên có niềm vui. Lúc đó bệnh tật dần thuyên chuyển đi. Cuộc đời giờ vô thường lắm, không biết thế nào. Mọi người hãy cùng chung tay với những người nghèo, làm được việc thiện gì thì làm ngay thì lúc ấy xã hội tốt đẹp lên”. Bà Bính hiểu và cảm nhận được sự khó khăn nhường nào của các bệnh nhân. Điều đó càng thôi thúc bà vực dậy để giúp đỡ người khác.

Mỗi ngày bà Bính phải uống thuốc để chiến đấu với bệnh tật. Thế nhưng hành trình 21 năm thiện nguyện của bà chắc chắn sẽ không dừng lại, sẽ vẫn nối dài đến những nơi cần sự giúp đỡ./.