Đang ngồi lướt facebook chị Nguyễn Hải Trang ở TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh nhận được tin nhắn hỗ trợ cho vay, giải ngân thần tốc. Đang trong lúc cần tiền để giải quyết công việc nên chị làm ngay theo các hướng dẫn. Sau khi tải ứng dụng vay tiền về máy điện thoại, chị nhận được yêu cầu gửi ảnh, chụp chứng minh thư cùng số điện thoại của cá nhân chị và người thân. Khi các bước này hoàn thành, chị tiếp tục nhận được yêu cầu nộp 500.000 đồng tiền phí để được giải ngân.

“Mình nộp tiền cho họ xong nhưng mãi chả thấy họ giải ngân cho mình, đến lúc này mình mới biết là bị lừa…”, chị Ngân giãi bày.

Trường hợp của chị Trang là điển hình của hình thức lừa đảo cho vay và chiếm đoạt tài sản. Nhiều người nghĩ rằng, chỉ mất vài trăm nghìn nên không báo công an. Nhưng nếu hàng nghìn người bị dính chiêu lừa này thì hẳn là số tiền rất lớn.

Thượng tá Đinh Ngọc Văn - Trưởng phòng an ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Công an tỉnh Quảng Ninh chỉ ra 6 hình thức lừa đảo mà loại tội phạm công nghệ cao thường sử dụng. Đó là dùng mạng xã hội, giả danh sân bay hải quan để nhận quà; Chiếm tài khoản facebook và vay tiền người thân, bạn bè; Lập trang web bán hàng để các đối tượng chuyển tiền, khi lừa được nhiều người, web bị đánh sập và nạn nhân thì không thể tìm kiếm để đòi lại tiền; Giả danh cơ quan Nhà nước, công an gọi điện và yêu cầu mã OTP, nộp tiền; Lừa đảo kinh doanh bằng huy động vốn, tiền ảo; Chiếm đoạt tài khoản banking...

Vừa qua, công an tỉnh Quảng Ninh đã đấu tranh bắt giữ nhóm đối tượng lập công ty tài chính để lừa đảo 2 nghìn người trên 63 tỉnh, thành. Mạng ảo trở thành mảnh đất màu mỡ cho tội phạm công nghệ cao hiện nay.

Theo chuyên gia, TS an ninh mạng Đoàn Trung Sơn, chỉ với từ khóa "tội phạm an ninh mạng", “bắt giữ tội phạm công nghệ cao” trên công cụ tìm kiếm google, chúng ta đã thu về được hàng triệu kết quả; qua đó có thể thấy loại tội phạm này trong thời gian qua đã có chiều hướng gia tăng.

Đặc biệt trong bối cảnh dịch covid-19, khi nhiều nơi thực hiện giãn cách xã hội, người dân làm việc trực tuyến tại nhà nhiều hơn, càng tạo cơ hội thuận lợi cho loại tội phạm này thực hiện các chiêu trò lừa đảo trên không gian mạng với các hình thức, thủ đoạn khác nhau.

TS Đoàn Trung Sơn cho rằng, việc gia tăng các chiêu trò lừa đảo công nghệ cao nhất là vào dịp cuối năm có rất nhiều nguyên nhân. Nước ta, trong những năm gần đây có tốc độ phát triển công nghệ thông tin rất nhanh chóng nên hành lang pháp lý chưa thể theo kịp để có thể đấu tranh một cách hiệu quả với các loại tội phạm công nghệ cao. Hơn nữa về phía người dân dù rằng đã được tiếp cận và cung cấp các thông tin cảnh báo nhưng nhưng nguồn dự liệu đó vẫn thực sự chưa đầy đủ, chưa đa dạng nên dễ dàng bị rơi vào các cạm bẫy lừa đảo này. Ngoài ra một nguyên nhân nữa cũng được ông Sơn chỉ ra đó chính là mức độ tinh vi và xảo quyệt của tội phạm công nghệ cao

“Tội phạm công nghệ cao nắm bắt rất tốt tâm lý của nạn nhân. Chúng có thể xây dựng các kịch bản khiến cho nạn nhân rơi vào những trường hợp bất khả kháng và rất khó tránh được các cạm bẫy mà chúng đã giăng sẵn”, TS Sơn phân tích.

Đối tượng đấu tranh của lực lượng an ninh không phải lúc nào cũng xuất đầu lộ diện, thường có phương thức phạm tội, thủ đoạn tinh vi. Đặc biệt là trong bối cảnh phát triển của công nghệ cao, mạng internet,... cuộc chiến với các tội phạm của lực lượng An ninh càng khó khăn, thách thức đầy cam go trong tình hình mới.

Và như phân tích của TS Sơn, trên không gian mạng tội phạm rất dễ dàng xóa bỏ các dấu vết, các hành vi phạm tội của mình và thậm chí là còn được dùng để mua các loại tiền không định danh như Bitcoin. Điều này sẽ gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan điều tra trong quá trình phá án.

Để chủ động phòng tránh các hoạt động lừa đảo qua không gian mạng, TS Sơn đưa ra khuyến cáo 5K và 2Đ. 5K đó là: Không truy cập vào các đường link, các liên kết cá nhân không rõ nguồn gốc, không cung cấp các thông tin cá nhân, tài khoản của ngân hàng cho người lạ, không sử dụng quá nhiều các máy tính công cộng, không cung cấp tên mật khẩu, mã xác thực OTP, số thẻ ngân hàng, không đặt mật khẩu đơn giản và cần thiết phải qua 2 bước xác thực. Còn 2Đ là: Đăng ký nhận thông báo thay đổi số dư tài và đăng ký sử dụng xác thực Smart OTP khi giao dịch trực tuyến và đặc biệt là các giao dịch liên quan đến thương mại điện tử, thanh toán online.

Ngoài khuyến cáo 5K và 2Đ, TS Đoàn Trung Sơn cũng lưu ý người dân, rtong trường hợp nghi ngờ về hoạt động mạo danh cơ quan tổ chức để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cần kịp thời thông báo tới cơ quan công an nơi gần nhất để tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.