Cách đây 90 năm, vào ngày 18/11/1930, trong cuộc họp tại Hương Cảng, Trung Quốc, Ban thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã ban hành chỉ thị thành lập Hội Phản đế đồng minh, là tổ chức tiền thân của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày nay. Hội Phản đế đồng minh ra đời trong bối cảnh Đảng Cộng sản Đông Dương mới được thành lập 9 tháng và giữa lúc cao trào cách mạng đầu tiên, mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh, đang diễn ra rầm rộ. Do đó tổ chức này mang sứ mệnh lịch sử quan trọng, như phân tích của PGS TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: “Trong chỉ thị của Thường vụ Trung ương Đảng lúc đó nêu rõ, đây là tổ chức cách mạng, có vai trò tập hợp đoàn kết rộng rãi các lực lượng cách mạng yêu nước ở Việt Nam và Đông Dương hướng vào mục tiêu đấu tranh chống đế quốc thực dân, giành độc lập ở 3 nước Đông Dương. Từ đó hoàn thành các mục tiêu cách mạng mà Đảng Cộng sản đã đề ra”.

Được hình thành trong thực tiễn quá trình đấu tranh cách mạng, Hội Phản đế đồng minh là một tổ chức ngoại biên nhằm tập hợp và lãnh đạo quần chúng. Trong Án nghị quyết về vấn đề phản đế tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 10 năm 1930 đã nêu rõ sự cấp thiết phải thành lập tổ chức này với vai trò là tổ chức cách mạng, tập hợp đoàn kết rộng rãi các lực lượng cách mạng yêu nước ở Việt Nam và Đông Dương hướng vào mục tiêu đấu tranh chống đế quốc thực dân, giành độc lập ở 3 nước Đông Dương.

Trong quá trình đấu tranh cách mạng, ở mỗi giai đoạn, vai trò và tên gọi của tổ chức đặc biệt này được thay đổi cho phù hợp với tình hình thực tiễn, từ Hội Phản đế đồng minh năm 1930 đến Mặt trận Thống nhất Dân chủ Đông Dương năm 1936. Năm 1940, quân Nhật kéo vào Đông Dương. Tại Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ 8 tại Pác Bó, Hà Quảng, Cao Bằng; theo đề nghị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Mặt trận Dân tộc thống nhất chống phát xít Pháp Nhật với tên gọi Việt Nam Độc lập Đồng minh, gọi tắt là Việt Minh, được thành lập ngày 19 tháng 5 năm 1941. Chủ trương của Mặt trận Việt Minh bấy giờ là tranh thủ sự ủng hộ của lực lượng đồng minh (Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc), đồng thời tập hợp lực lượng, chờ thời cơ đấu tranh giành chính quyền về tay nhân dân.

Sau năm 1954, Việt Nam bị chia thành hai miền Nam Bắc với hai chính thể khác nhau. Mục tiêu của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại miền Bắc là tiến tới hòa hợp thống nhất đất nước. Đảng Lao động Việt Nam quyết định chủ trương thành lập một tổ chức chính trị mới là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (gồm Đảng Lao động, Đảng Dân chủ, Đảng Xã hội...). Sau đó nhiệm vụ của Mặt trận là huy động lực lượng toàn dân tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam. Ngày 10 tháng 9 năm 1955, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra đời với mục đích "đoàn kết mọi lực lượng dân tộc và dân chủ, đấu tranh đánh bại đế quốc Mỹ xâm lược và tay sai, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh".

Tại miền Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam được thành lập ngày 20 tháng 6 năm 1960, để chống lại Quân đội Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa. Ngoài ra ngày 20 tháng 4 năm 1968, một mặt trận mới ra đời là Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam do Trịnh Đình Cửu làm Chủ tịch. Liên minh này được xem là một tổ chức lớn hơn và rộng khắp để đoàn kết nhân dân miền Nam và những người chống đối chế độ Việt Nam Cộng hòa và Hoa Kỳ, mà không phải là thành viên của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam.

Sau khi đất nước thống nhất, trong kỳ họp từ 31 tháng 1 đến 4 tháng 2 năm 1977 tại thành phố Hồ Chí Minh, 3 tổ chức này hợp thành một tổ chức chính trị duy nhất lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho đến ngày nay, gồm gần 50 thành viên từ Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Quân đội Nhân dân Việt Nam, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Hiệp hội các hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam….

Trải qua nhiều lần đổi tên và qua 9 kỳ đại hội, ngày nay, tại Điều 9 của Hiến pháp nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Đồng thời, dù nhiệm vụ chính trị có những thay đổi nhưng phương châm xuyên suốt của tổ chức Mặt trận vẫn là “đại đoàn kết”.

Hiện nay biểu trưng hoa sen trắng trên nền cờ đỏ đã rất quen thuộc với chúng ta, tượng trưng cho khối thống nhất dân tộc chung mục đích xây dựng một nước Việt Nam dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.

Hoa sen trắng cách điệu tượng trưng cho hình tượng Hồ chủ tịch, vị lãnh tụ vĩ đại, người đã sáng lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Những cánh sen liên kết thành một khối chính là sự đoàn kết thống nhất chính trị của tất cả người Việt Nam yêu nước.

Đáp ứng yêu cầu của thời cuộc, cho tới nay những hoạt động của MTTQVN đã được mở rộng, phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội phù hợp với tình hình mới. Theo PGS TS Nguyễn Trọng Phúc, vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQVN rất quan trọng và nếu làm tốt sẽ góp phần hoàn thiện cương lĩnh của Đảng ta. Những năm qua, hoạt động giám sát, phản biện của MTTQVN đã đạt được một số kết quả nhất định trong việc tham gia vào quá trình xây dựng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước các cấp trong việc thực hiện các chủ trương chính sách ở cơ sở, việc bầu đại biểu dân cử cũng như công tác cán bộ v.v... Tuy vậy, đến nay vẫn còn không ít lĩnh vực giám sát của MTTQVN chưa được pháp luật cụ thể hóa thành cơ chế; năng lực giám sát phản biện còn yếu; hoạt động giám sát, phản biện còn gặp nhiều khó khăn nên hiệu quả chưa cao. Để làm tốt vai trò quan trọng này, đòi hỏi sự đổi mới trong hoạt động của tổ chức MTTQ, các hoạt động phải đi vào nội dung thiết thực, phát huy thực sự được tinh thần dân chủ trong nhân dân, để chính người dân trực tiếp góp ý được vào những chủ trương đo đó đòi hỏi đội ngũ cán bộ mặt trận phải được đào tạo bài bản, có trình độ và trách nhiệm cao.