Bảo hiểm y tế (BHYT) là một trong những chính sách an sinh xã hội quan trọng, mang tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc, thể hiện sự tương thân tương ái, chia sẻ rủi ro giữa người khỏe với người ốm, giữa người trẻ với người già, giữa người có thu nhập cao với người có thu nhập thấp. Đồng thời thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nhằm hướng tới công bằng trong chăm sóc sức khỏe, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho mọi người dân.

Tuy nhiên, những lợi ích thiết thực nhất mà BHYT mang lại thì không phải ai cũng biết. Trên thực tế, do nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ về lợi ích của BHYT nói chung và BHYT hộ gia đình nói riêng nên nhiều người chỉ khi có bệnh và điều trị quá tốn kém mới tìm mua BHYT. Chị Nguyễn Thị Hải, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương là một ví dụ. Trong một lần mang vác nặng, chị Hải bị vẹo cột sống, phải điều trị tại Trung tâm y tế huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Khi vào viện, do chưa có bảo hiểm nên trong một tuần điều trị tại đây, gia đình tốn khoản phí rất lớn. Vì vậy, chị Hải xin ra viện, đi mua BHYT rồi đợi sau 1 tháng khi BHYT có hiệu lực mới vào viện điều trị tiếp.

Nhờ có BHYT mà chi phí người dân bỏ ra cho một lần đi khám đã giảm 3 lần. Đó là chưa kể nhiều dịch vụ, thuốc đắt tiền áp dụng đối với các bệnh hiểm nghèo, khi sử dụng thẻ BHYT được thanh toán tới hàng tỷ đồng. Với chi phí lớn như vậy, phần đông người dân hiện nay vẫn chưa thể đáp ứng, nếu không có thẻ BHYT.

Theo Bác sĩ chuyên khoa 1 Lê Thái An, Trưởng khoa Đông y - Phục hồi chức năng - Trung tâm y tế huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, tại Trung tâm, trường hợp đang điều trị phải nghỉ giữa chừng để đi mua BHYT như chị Hải không hiếm, phần lớn họ là những người làm nông nghiệp và cho rằng, tham gia BHYT chỉ tốn tiền, khám bệnh lại qua loa và chỉ được cấp một ít thuốc rẻ tiền… nên không mấy quan tâm. Và chỉ khi chi phí khám chữa bệnh quá tốn kém nên mới vội vàng đi mua thẻ BHYT.

Trước thực tế này, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Hải Dương tập trung vào nhóm đối tượng hộ gia đình vì tỷ lệ tham gia của nhóm này thường thấp hơn so với các nhóm đối tượng khác. Cùng với đó, phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể, cá nhân uy tín trong các khu dân cư để vận động người dân, nên hiện tại số người tham gia BHYT hộ gia đình tăng dần.

Tuy nhiên, theo chị Bùi Thị Xuân, tư vấn viên BHXH huyện Thanh Hà, để có được tỷ lệ người tham gia BHYT hộ gia đình tăng cao không đơn giản. Các tư vấn viên gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận tư vấn với từng hộ gia đình, thậm chí có những gia đình phải đi lại hàng chục lần, ban đầu gần như họ không tiếp nhưng dần dần với sự nhiệt tình, thái độ thực sự muốn chia sẻ an sinh xã hội của nhà nước thì họ đã hiểu và tham gia.

Trước đây cũng chủ quan không hay ốm đau, có chăng chỉ là nhức đầu, sổ mũi nên chị Hồ Thị Bạch Tuyết, trú tại Thanh Khê, Thanh Hà, Hải Dương cũng không quan tâm đến việc mua BHYT cho bản thân. Nhưng do được tư vấn, tuyên truyền vận động của các tư vấn viên, chị Hồ Thị Bạch Tuyết đã mua BHYT cho mình và người chồng đang làm thợ xây. Với tấm thẻ BHYT này, chị Tuyết cảm thấy hoàn toàn yên tâm khi sức khỏe của cả nhà được bảo vệ.

BHYT hộ gia đình được xem là một trong những chính sách an sinh xã hội mang ý nghĩa nhân đạo, nhằm bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người dân một cách tốt nhất. Có thể thấy, việc chủ động tuyên truyền, phát triển đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình trong thời điểm sau khi Quyết định 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được ban hành là vô cùng cần thiết. Qua đó, đã góp phần đảm bảo kịp thời quyền và lợi ích của người dân, giúp người tham gia giảm bớt gánh nặng chi phí khám chữa bệnh.