Có thể nói, những chính sách mới của BHYT năm nay đã tạo điều kiện cho người dân chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình. Bởi sức khỏe là vốn quý của mỗi người. Và thực sự nếu chẳng may gia đình có người phải nằm viện điều trị mới thấy được giá trị của tấm thẻ BHYT.

Cuối năm 2015, chị Nguyễn Tuyết Minh ở thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang phát hiện mình bị bệnh suy thận giai đoạn cuối. Vậy là từ đó đến nay cuộc sống của chị Minh gắn liền với bệnh viện Bạch Mai. Mỗi lần đi chạy thận cộng cả tiền thuốc vào là khoảng 1,5 triệu. Nếu không có thẻ bảo hiểm y tế tính ra một tháng chạy thận chị Minh và gia đình phải chi trả khoảng hơn 10 triệu đồng, một khoản chi phí khổng lồ mà gia đình chị không thể tự cáng đáng nổi.

Cũng giống như chị Minh, nhiều bệnh nhân chạy thận ở bệnh viện Bạch Mai đều ở các tỉnh thành xa, chi phí ăn ở rồi khám chữa bệnh là một khoản tiền khổng lồ với những gia đình ở nông thôn quanh năm chỉ bám với mấy sào ruộng. Trường hợp ông Nguyễn Văn Bắc ở huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định là một ví dụ. Mỗi tuần, ông Bắc phải vào viện 3 lần để chạy thận lọc máu, chi phí lên tới hàng trăm triệu đồng/năm. Nếu không có quỹ BHYT chi trả phần lớn số tiền này, thì gia đình ông Bắc không thể cầm cự được đến bây giờ.

Khi gia đình có người ốm đau, bệnh tật mới thấy được vất vả nhường nào. Gánh nặng tâm lý rồi gánh nặng kinh tế, đã có không ít người bệnh vì không có tiền mà phải từ bỏ điều trị. Khi mới phát hiện mình phải chạy thận anh Đinh Văn Tuấn ở thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình những tưởng mình không theo được. Lúc đó anh Tuấn là lao động tự do không có bảo hiểm y tế nên chi phí hàng tháng với gia đình là một khoản tiền không nhỏ. Có lúc anh Tuấn đã định buông xuôi nhưng một năm sau gia đình anh đã tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình. Kể từ đó anh Tuấn lên bệnh viện Bạch Mai chạy thận không còn lo lắng vì mình là gánh nặng của vợ con.

Chẳng ai muốn mình ốm đau bệnh tật cũng chẳng ai muốn mình phải đi nằm viện điệu trị. Thế nhưng với những bệnh nhân chạy thận để duy trì sự sống thì bệnh viện đã trở thành nhà. Với anh Hà Văn Huẫn ở huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình thì đã hơn 10 năm gắn liền với bệnh viện Bạch Mai. Bị viêm cầu thận năm 12 tuổi, đến 20 tuổi bị suy thận giai đoạn cuối nên cuộc sống của anh Huẫn phải phụ thuộc hoàn toàn vào hóa chất, máy móc chạy thận để lọc máu. Nếu không có bảo hiểm y tế thì gia đình anh với vài sào nương rẫy làm sao đủ điều kiện để cho anh chạy thận duy trì sự sống.

Dù không mong muốn song trong cuộc sống, mấy ai đã tránh khỏi ốm đau, bệnh tật, rủi ro, tai nạn, vì thế ngoài những đối tượng được Nhà nước mua và hỗ trợ mua BHYT, mỗi người đều có thể tự trang bị cho mình chiếc “phao cứu sinh” BHYT để được hỗ trợ chi phí chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh, đề phòng rủi ro, bệnh tật đến với mình. Nhất là với các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, việc BHYTT chi trả toàn bộ hay hỗ trợ phần nào chi phí khi đến điều trị tại các cơ sở y tế đều giúp họ vượt qua những khó khăn về kinh tế để chữa bệnh, mang lại cuộc sống tốt đẹp.