Gia đình anh Tuấn Kiệt, chị Mỹ Hoa ở Thanh Xuân, Hà Nội, vợ bán thịt lợn, chồng làm nghề xe ôm, cả hai đều là những lao động tự do mà theo như chị Hoa vẫn nói là “ráo mồ hôi là hết tiền”. Giờ còn có sức khỏe, hai vợ chồng chị còn có đồng ra đồng vào, nhưng không tránh những lúc anh chị lo lắng cho tương lai của mình sau này. "Nếu mai kia già yếu không làm được thì cũng lo đấy. Tiền tiết kiệm có để ra được thì ăn mãi cũng hết. Mà sợ nhất là ốm đau, bao nhiêu tiền cũng hết. Vay ai được. Có phải ai cũng cậy nhờ được con cháu", chị Hoa chia sẻ.

Tuy vậy, đó là câu chuyện của chị Hoa cách đây 4 năm. Nhìn những người có lương hưu, có BHYT để nương tựa lúc về già, chị thực sự khao khát và cảm thấy mình cũng cần phải làm gì đó để đảm bảo cho tương lai. Nghe mọi người nói chuyện về BHXH tự nguyện, chị đã tìm hiểu và không đắn đo nhiều, chị quyết định tham gia. Chị Hoa phấn khởi: "Có BHXH tự nguyện rất là mừng, không cứ người làm nhà nước hay làm ở các công ty doanh nghiệp mới có được tiền hưu hay BHYT mà những người như chúng tôi cũng có thể tham gia được. Có nhiều mức đóng nhưng tôi chọn 3 tháng đóng một lần, tính ra hơn 500 nghìn một tháng, về già lại yên tâm có chỗ dựa."

BHXH tự nguyện giúp cho người dân có được khoản thu nhập hàng tháng khi đã hết tuổi lao động với nhiều mức khác nhau để phù hợp với thu nhập của của từng người. Cách đóng cũng rất linh hoạt, có thể đóng hàng tháng hoặc 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng một lần, hay đóng 1 lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm. Trước đây, vốn có suy nghĩ đến đâu hay đến đó, nhưng sau khi được tư vấn, giải thích, chị Thu Thảo ở Đồng Tháp cũng đã quyết định hàng tháng dành dụm một khoản tiền để tham gia BHYT tự nguyện. "Tôi về tôi suy nghĩ thấy có lợi ích tôi mới đồng ý tôi mua cho bản thân tôi, về già khỏi vướng bận con cháu. Bây giờ không thấy trước mắt mình chỉ bỏ ít ra mình đóng, sau này mình hưởng về lâu dài."

Không giống như chị Mỹ Hoa và chị Thu Thảo, chị Mai Vân ở Sóc Sơn, HN trước đây đã từng làm công nhân cho công ty may và đã tham gia BHXH bắt buộc hơn 10 năm. Sau này vì điều kiện gia đình chị phải nghỉ việc. Những tưởng thời gian hơn 10 năm đó coi như mất trắng, sẽ không được hưởng lương hưu thì sau khi được tư vấn chị đã tham gia BHXH tự nguyện sau 2 năm ngắt quãng. Nhưng chị rất vui mừng khi biết đến BHXH tự nguyện. "BHXH tự nguyện tôi thấy rất ưu việt, hỗ trợ rất nhiều những người đang đóng dở BHXH như tôi hay là những người lao động tự do. Như vậy mỗi tháng bỏ ra vài trăm nghìn đến khi về già có lương hưu, ít ra cũng đủ ăn, không gây phiền hà đến các con.", chị Mai Vân chia sẻ.

Được hưởng lương hưu hàng tháng khi về già; lương hưu được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng; được cấp thẻ BHYT trong suốt thời gian hưởng lương hưu; được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của bản thân... Những hộ nghèo, cận nghèo được ngân sách Nhà nước hỗ trợ một phần tùy từng đối tượng. Nhiều lợi ích thiết thực như vậy, tuy nhiên vẫn còn có một bộ phận người dân chưa thực sự quan tâm đến BHXH tự nguyện.

BHXH tự nguyện là chính sách có ý nghĩa sâu sắc đối với người lao động tự do, có thu nhập thấp và không ổn định, giúp người tham gia được hưởng lương hưu nhằm giảm bớt khó khăn, rủi ro, nhất là khi người lao động lớn tuổi về sau này có được thu nhập nhất định để trang trải sinh hoạt hàng ngày, không phải phụ thuộc đến con cháu về sau. Chính sách này cũng thể hiện tính nhân văn, góp phần chia sẻ cộng đồng và phát triển xã hội.