Những ngày này, dư luận đang rất phẫn nộ trước vụ việc chủ quán bánh xèo ở xã Yên Trung, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh có hành vi ngược đãi, đánh đập vô cùng dã man 2 nhân viên là lao động trẻ em làm việc tại quán trong một thời gian dài. Thêm một sự việc đau lòng xảy ra khiến dư luận đặt câu hỏi về những nỗ lực của cơ quan chức năng trong công tác bảo vệ trẻ em thời gian qua có thực sự hiệu quả? Những chế tài xử phạt các hành vi bóc lột sức lao động, ngược đãi trẻ em đã thực sự nghiêm minh? Ngay sau khi sự việc xảy ra, phóng viên VOV2 đã có cuộc trao đối với chuyên gia trẻ em, Trần Ban Hùng về vấn đề này.

PV: Trước hết xin được hỏi suy nghĩ của ông về câu chuyện đang gây bất bình dư luận xảy ra tại một quán bánh xèo ở Bắc Ninh với những hành vi tra tấn ngược đãi có thể nói là vô cùng dã man đối với những nhân viên là trẻ em?

Ông Trần Ban Hùng: Tâm trạng tôi cũng giống như tất cả mọi người là rất đau lòng và bức xúc trước hành vi của những người lớn đối xử với trẻ em trong quá trình dài mà gần như không có khả năng tự bảo vệ mình. Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em như bạo hành đối với trẻ em, ngược đãi và gây thương tích với trẻ. Điều này cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo rất lớn về vai trò và chức năng của các bên liên quan trong việc bảo vệ trẻ em. Mặc dù chúng ta đã có rất nhiều nỗ lực và cũng có những thành quả đáng kể trong công tác bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên những vụ việc đau lòng như thế này xảy ra cũng là một dấu hiệu cho thấy, chúng ta còn phải làm nhiều hơn nữa để bảo vệ trẻ em một cách an toàn nhất và không phải chịu bạo lực theo đúng tinh thần mà chúng ta đã cam kết khi tham gia Công ước quốc tế về quyền trẻ em.

PV: Thưa ông Hùng, có một điều mà dư luận cảm thấy không hài lòng đó là dường như cứ sau mỗi vụ việc đau lòng như thế này thì cơ quan chức năng mới bắt đầu rà soát, mới bắt đầu thanh tra, kiểm tra. Quan điểm của ông như thế nào?

Ông Trần Ban Hùng: Thực ra điều này không đúng. Chúng ta đã có hệ thống bảo vệ trẻ em xuyên suốt từ cấp trung ương tới cấp xã, phường. Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cũng có những văn bản quy định về nhóm thường trực bảo vệ trẻ em và một trong những chức năng của nhóm này là xem xét báo cáo những vụ việc xâm hại trẻ em cũng như các nguy cơ mà các em phải đối mặt. Về mặt chính sách, pháp luật và các cấu trúc văn bản pháp luật cũng tương đối rõ ràng. Tuy nhiên chúng ta không phủ nhận thực tế là hệ thống này gần như hoạt động chưa có hiệu quả trong việc rà soát những vụ việc tương tự. Cụ thể trường hợp mà chúng ta đang nói đến, dù vụ việc xảy ra rất lâu, nhưng hệ thống các nhóm thường trực bảo vệ trẻ em không phát hiện ra được. Tôi nghĩ đây là một khoảng trống trong việc thực thi. Đối với một công chức ở cơ sở, công tác trẻ em chỉ là một trong nhiều nhiệm vụ mà họ phải đảm nhiệm, bởi vậy công việc của họ thực sự quá tải. Tôi cũng có thực hiện một vài nghiên cứu về một số mô hình của các tổ chức phi Chính phủ thực hiện tại địa phương. Cụ thể là tỉnh Hòa Bình, họ có hẳn một cán bộ công tác xã hội chuyên trách, làm cầu nối để rà soát hết tất cả danh sách các em trên địa bàn và xem xét những nhóm đối tượng trẻ có nguy cơ cũng như kết nối với các trưởng thôn, các cán bộ thôn bản để phát hiện ra những vụ việc, những nguy cơ đối với trẻ và tập huấn cho người dân nâng cao nhận thức về những vụ việc xâm hại trẻ em này. Đây là một mô hình rất hiệu quả. Tuy nhiên chúng ta cũng quay về câu hỏi muôn thuở là ngân sách ở đâu để có thể duy trì một mô hình như vậy?

PV: Quả thật nhiều người sẽ không thể tưởng tượng nổi, như trong trường hợp này nếu em bé mà không dũng cảm trốn thoát và không may mắn gặp những người có trách nhiệm có lương tâm đưa em đi đến những cơ quan chức năng thì không biết rằng là những hành vi ngược đãi mà em phải gánh chịu nó sẽ còn kinh khủng như thế nào?

Ông Trần Ban Hùng: Đúng là rất đau lòng khi mà đứa trẻ tự phải giúp mình hơn là nhờ vào những kênh thông tin khác. Một trong những kênh trợ giúp rất quan trọng mà trẻ em hay người lớn hay bất cứ ai cũng có thể làm là gọi điện thoại hoàn toàn miễn phí cho đường dây nóng 111. Ngoài ra còn có các phần mềm trên điện thoại Android hay Ios, tất cả mọi người có thể báo cáo kịp thời những vụ việc nghi ngờ liên quan đến quyền trẻ em. Điều vẫn cần nhấn mạnh ở đây là vai trò của các cơ quan chức năng trong việc nâng cao hệ thống bảo vệ trẻ em ở cấp cơ sở để đảm bảo những vụ việc đau lòng như thế này không xảy ra và đặc biệt là phải có chế tài xử lý, xử phạt rất nghiêm khắc, có tính răn đe cao.

PV: Tôi nghĩ rằng hệ thống cơ sở pháp luật của chúng ta không hề thiếu, nhưng quan trọng là việc thực thi như thế nào và chế tài xử lý ra sao?

Ông Trần Ban Hùng: Phải khẳng định các quy định pháp luật rất đầy đủ và rất rõ ràng trong việc xử lý những vi phạm này, có thể xử tù tới 3 năm với những hành vi ngược đãi trẻ em hay lao động trẻ em. Tuy nhiên thực tế người dân rất ít thấy các vụ việc này được đưa lên các trang thông tin báo chí và xử lý nghiêm minh để ít nhất người dân thấy sợ hãi trước pháp luật và không dám làm những điều sai. Không ít những người làm cha làm mẹ hay người lớn vẫn nghĩ việc đánh con có thể làm một cách tự nhiên mà không bị pháp luật xử lý..

PV: Như vậy, ở đây vẫn là vấn đề nhận thức?

Ông Trần Ban Hùng: Đúng như vậy, nhưng truyền thông không chưa đủ, bởi truyền thông mà không có những biện pháp xử lý nghiêm minh thì người ta nghe xong rồi cũng sẽ quên. Song song với đó khi phát hiện các vụ việc vi phạm quyền trẻ em, cần phải vào cuộc xử lý ngay và đưa vụ việc lên truyền thông rộng rãi để làm bài học cho người dân, để tất cả mọi người đều biết việc đánh trẻ, bắt trẻ lao động trong điều kiện cực nhọc là vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý hình sự. Một thông điệp rất rõ ràng tôi muốn thông qua chương trình là “Nói đi đôi với làm. Đặc biệt qua vụ việc ở Bắc Ninh cần xử lý hình sự rất nghiêm minh, kết hợp với truyền thông rộng. Tôi tin chắc chắn sẽ có hiệu quả”…

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông.