Cam kết này nhằm mục tiêu huy động 7 tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng phát thải các-bon thấp và chống chịu khí hậu ở Đông Nam Á cũng như đẩy nhanh quá trình phục hồi của khu vực sau dịch bệnh COVID-19. Nguồn vốn này được công bố tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow, bao gồm 110 triệu bảng Anh (tương đương 151 triệu USD) từ Chính phủ Vương quốc Anh, 132 triệu Euro (tương đương 155 triệu USD) từ Ngân hàng đầu tư nhà nước I-ta-lia Cassa Depositi e Prestiti, 50 triệu Euro từ Liên minh Châu Âu, và 300 triệu USD từ Quỹ Khí hậu xanh.

Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á Masatsugu Asakawa nhận định: “Các quốc gia ASEAN đang có cơ hội hiếm có để xây dựng một tương lai xanh và bao trùm sau đại dịch COVID-19. Diễn đàn Phục hồi xanh ASEAN sẽ giúp đẩy nhanh dòng vốn đầu tư để hỗ trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng chống chịu khí hậu và bền vững về môi trường tại Đông Nam Á, cũng như thúc đẩy phát triển công bằng và bền vững”.

Nguồn vốn mới này sẽ bổ sung vào ngân sách đồng tài trợ trị giá 1,4 tỷ USD đã được cam kết cho Quỹ Tài chính xanh Xúc tác Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á từ năm 2019, nâng tổng số cam kết cho quỹ này lên 2 tỷ USD. Các đối tác tài trợ ban đầu cho Quỹ Tài chính xanh Xúc tác Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á bao gồm Ngân hàng Phát triển Châu Á, Cơ quan Phát triển Pháp, Ngân hàng Đầu tư Châu Âu, Ngân hàng Phát triển Nhà nước Đức và Chính phủ Hàn Quốc.

Bộ trưởng ngoại giao Vương quốc Anh Elizabeth Truss chia sẻ: “Năm nay, Vương quốc Anh đã trở thành Đối tác Đối thoại mới đầu tiên của ASEAN trong 25 năm. Chúng tôi hiện đang làm việc cùng nhau để xây dựng các mối quan hệ kinh tế và đầu tư mạnh mẽ hơn cũng như giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Khoản tài trợ 110 triệu bảng của Vương quốc Anh cho Quỹ tín thác Tài chính xanh Xúc tác Vương quốc Anh - ASEAN sẽ giúp phát triển cơ sở hạ tầng sạch, trung thực và đáng tin cậy ở các quốc gia đang cần, dựa trên chuyên môn của Vương quốc Anh về công nghệ xanh và tạo việc làm trên khắp Vương quốc Anh.”

Đại dịch COVID-19 đã có những tác động đáng kể về kinh tế, y tế và xã hội ở Đông Nam Á. Diễn đàn này sẽ cung cấp nguồn tài chính và hỗ trợ kỹ thuật để giảm rủi ro đầu tư và xúc tác nguồn vốn nhà nước và tư nhân tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng xanh, giúp tạo việc làm và thúc đẩy tăng trưởng. Diễn đàn cũng sẽ hỗ trợ cho các quốc gia thành viên đang phát triển trong khu vực ASEAN để đạt được các mục tiêu về khí hậu theo Hiệp định Paris. Đồng thời giúp các quốc gia này tăng cường các thị trường vốn xanh như việc mở rộng phát hành trái phiếu xanh và trái phiếu khí hậu.

Tổng Giám đốc Ngân hàng đầu tư nhà nước I-ta-lia Cassa Depositi e Prestiti Dario Scannapieco nhận định: “Chúng ta không được rời xa các cam kết theo Hiệp định Paris và các Mục tiêu Phát triển bền vững trong quá trình tái thiết nền kinh tế. Ngân hàng đầu tư nhà nước I-ta-lia Cassa Depositi e Prestiti sẵn sàng đóng một vai trò tích cực trong việc tài trợ cho cơ sở hạ tầng bền vững và bao trùm bằng cách thúc đẩy các mối quan hệ đối tác mang tính xây dựng, như hỗ trợ của chúng tôi cho Quỹ Tài chính xanh Xúc tác Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, để tài trợ cho công cuộc phục hồi kinh tế xanh và bền vững ở Đông Nam Á, cũng như hợp tác với các ngân hàng phát triển quốc gia khác để giải quyết thách thức cho cả thế hệ này và thế hệ tiếp theo.”

Diễn đàn Phục hồi xanh ASEAN là một phần trong cam kết của Ngân hàng Phát triển Châu Á về việc tăng tham vọng tài trợ lũy kế cho giai đoạn 2019-2030 lên tới 100 tỷ USD, trong khi bảo đảm rằng ít nhất 75% số dự án sẽ giải quyết vấn đề giảm nhẹ và thích ứng biến đổi khí hậu vào năm 2030./.