Xây dựng đô thị xanh, đô thị sinh thái hay đô thị bền vững, thân thiện môi trường là vấn đề được đặt ra từ lâu. Những văn bản pháp luật nhắc đến việc phát triển đô thị theo hướng “xanh” có thể kể đến là Luật Quy hoạch đô thị; Nghị định 37 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị hay Thông tư 34 của Bộ Xây dựng với các quy định về cây xanh đô thị…Tuy nhiên, hiện nay những quy định này hầu như vẫn chỉ nằm trên giấy. Thành phố Hà Nội là một ví dụ. Tại đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho thấy, ngay từ quan điểm phát triển, quy hoạch đã khẳng định Hà Nội sẽ là Thành phố “xanh” bền vững về môi trường; đô thị sinh thái, gắn kết hài hòa các yếu tố tự nhiên - xã hội - con người; không gian xanh của Hà Nội được quy hoạch chiếm tỷ trọng lớn trong tổng diện tích tự nhiên toàn Thành phố. Song hơn 10 năm nay, việc xây dựng nhà cao tầng chưa đi đôi với phát triển không gian xanh. Theo ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, sự tăng trưởng nóng của bất động sản đã khiến không gian xanh của Hà Nội ngày càng bị thu hẹp. Để cải thiện môi trường sống, Hà Nội nói riêng và các đô thị nói chung cần chú trọng phát triển “không gian xanh”. “Các đô thị trên thế giới họ coi xây xanh là mảng rất quan trọng. Nó là thương hiệu cho các đô thị. Hà Nội của chúng ta, cây xanh , mặt nước là vẻ đẹp đô thị nhưng cũng là môi trường cho đô thị của chúng ta” - ông Chính nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam cũng cho rằng thời gian qua đã hình thành một số khu đô thị với những tên gọi như đô thị sinh thái, đô thị xanh. Đây là tín hiệu mừng. Tuy nhiên, những khu đô thị này cũng chỉ dừng lại ở mức độ có nhiều cây xanh, tổ chức không gian công cộng tốt, chứ chưa đủ để có thể gọi là đô thị xanh. Bởi lẽ, để một đô thị đạt chuẩn “xanh” thường phải đáp ứng được 7 tiêu chí: Không gian xanh; công trình xanh; giao thông xanh; công nghiệp xanh; chất lượng môi trường đô thị xanh; bảo tồn cảnh quan văn hóa lịch sử danh lam thắng cảnh, cảnh quan thiên nhiên; cộng đồng dân cư sống thân thiện với môi trường. Theo ông Nam, để các doanh nghiệp ưu tiên đẩy mạnh phát triển các khu đô thị theo hướng “xanh”, các nhà thiết kế chính sách tầm vĩ mô phải đưa ra được cơ chế khích lệ. “Chúng ta có thể quy định một công trình nào đó được thiết kế, xây dựng vận hành theo mô hình xanh thì có thể ưu tiên về chiều cao tầng, ưu đãi về thuế…” - ông Nam đề xuất.

Thực tế cho thấy việc phát triển đô thị xanh ở nước ta nói chung và Hà Nội nói riêng còn nhiều trở ngại, như hạ tầng kỹ thuật và xã hội còn kém, môi trường nhiều nơi bị ô nhiễm nghiêm trọng, dân số đông. Cùng với đó là hạn chế về quỹ đất xây dựng, đội ngũ chuyên gia quy hoạch còn ít và trình độ chưa cao. Ngay trong chiến lược quy hoạch phát triển hệ thống đô thị với tầm nhìn đến năm 2030 cũng còn thiếu định hướng phát triển đô thị sinh thái, đô thị xanh, đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo bà Lưu Thị Thanh Mẫu, lãnh đạo một công ty hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, để phát triển không gian xanh, bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, các doanh nghiệp cũng cần thay đổi góc nhìn về vấn đề này. “Một doanh nghiệp phát triển bền vững phải dung hòa lợi ích của doanh nghiệp, bảo vệ môi trường và cộng đồng” - bà Thanh Mẫu chia sẻ.

Việt Nam với điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, là môi trường thuận lợi để phát triển không gian đô thị xanh và các công trình kiến trúc xanh. Tuy nhiên, như chia sẻ của các chuyên gia, nhà quản lý và chủ các doanh nghiệp, để đô thị của chúng ta ngày càng xanh hơn thì rõ ràng các nhà làm luật cần rà soát và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn.

Nghe nội dung bài viết dưới đây: