Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội vừa ký ban hành Công văn số 3024/UBND-ĐT quán triệt cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Trong đó có quy định nghiêm cấm người đứng đầu, lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương; cán bộ, công chức, viên chức can thiệp, tác động vào quá trình xử lý các hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông của lực lượng chức năng. Người đứng đầu các sở, ban, ngành, địa phương chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân thành phố nếu để cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị mình quản lý vi phạm.

Trước đó, nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương như: Cà Mau, Đắk Nông, Lâm Đồng, Bạc Liêu Hải Dương, Hòa Bình… cũng ban hành văn bản về việc đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông trong đó nghiêm cấm cán bộ các cấp can thiệp, tiếp nhận can thiệp việc xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông của lực lượng chức năng. Đồng thời, gương mẫu thực hiện nghiêm quy định đã uống rượu, bia thì không lái xe và có hình thức xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.

(TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia)

Trong chương trình 30 phút cùng VOV2, TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng hiện tượng người tham gia giao thông vi phạm luật lệ an toàn giao thông và gọi điện xin… trợ giúp người thân, người quen đã tồn tại từ lâu. Nhiều người dựa vào các mối quan hệ với cán bộ, công chức, viên chức, người có vị thế trong xã hội để nhờ can thiệp nhằm xóa bỏ hoặc giảm nhẹ lỗi vi phạm giao thông.

Ông Tạo nhấn mạnh việc cấm cán bộ, công chức, viên chức can thiệp việc xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông thể hiện quyết tâm trong thực thi các quy định pháp luật về an toàn giao thông. Đây cũng là một trong những biện pháp nhằm đẩy mạnh văn hóa giao thông trong quá trình thực thi công vụ.

“Khi vi phạm giao thông cứ để xảy ra tình trạng xin xỏ thì còn gì là văn hóa giao thông. Ngay cả những người tham gia giao thông cũng cảm thấy không công bằng”, ông Tạo nói.

TS.Khương Kim Tạo thừa nhận, các mối quan hệ xã hội cũng là một khó khăn, lực cản cho lực lượng chức năng khi xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, họ bị đưa vào tình thế khó xử. Nhưng nếu những cán bộ công chức, viên chức, những người có vị thế trong xã hội can thiệp vào quá trình xử lý vi phạm giao thông là đang dung dưỡng cho con cháu.

“Can thiệp, gỡ tội cho con cháu khi vi phạm an toàn giao thông nói nặng chính là tạo cho con cháu một giấy báo tử về sau. Vì sức khỏe cộng đồng không nên can thiệp vào quá trình xử lý vi phạm an toàn giao thông của lực lượng chức năng”, TS. Khương Kim Tạo chia sẻ.

Đối với lực lượng thực thi công vụ, ông Khương Kim Tạo cho rằng cần phải xử lý nghiêm các hành vi vi phạm luật lệ, an toàn giao thông. Thậm chí phạt nặng hơn đối với các trường hợp xin xỏ, can thiệp.

“Một số nước khi xử phạt vi phạm an toàn giao thông nếu người vi phạm có xin xỏ thì họ tăng gấp đôi tiền nộp phạt”, ông Tạo cho biết.

Trong việc thực thi các quy định pháp luật về an toàn giao thông, TS. Khương Kim Tạo nhấn mạnh, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ quan nhà nước phải đi đầu trong việc chấp hành, làm gương, làm mẫu trước nhân dân.