Việt Nam đang bước vào thời kỳ chuyển đổi số mạnh mẽ, trẻ em vì thế cũng trở thành những công dân số từ rất sớm với việc sử dụng Internet ngày càng gia tăng. Mạng Internet đã mang lại nhiều lợi ích cho trẻ trong việc cung cấp kiến thức, phương thức học tập, giải trí, tăng cường tương tác xã hội… Tuy nhiên, mặt trái của mạng xã hội cũng đặt ra không ít những khó khăn, thách thức trong việc bảo vệ trẻ em, bởi môi trường mạng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro, gây mất an toàn với trẻ, nhất là khi các hoạt động làm việc, học tập, giải trí… chuyển từ hình thức trực tiếp sang trực tuyến do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Theo chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà, trẻ em hiện nay rất dễ bị thu hút, lôi kéo vào các nhóm thiếu lành mạnh do các cuộc tấn công mạng, lừa đảo trực tuyến diễn biến ngày càng phức tạp, tinh vi, trong khi hầu hết các em chưa được trang bị nhiều kỹ năng tự bảo vệ trên môi trường mạng. Bên cạnh đó, nhiều người vẫn có tư tưởng thế giới mạng là ảo, mà đã là ảo thì không có gì phải lo lắng, song điều này là hết sức sai lầm. Mạng ảo nhưng những tổn thương, sang chấn tâm lý với trẻ em là thật. Và điều đáng buồn là trên môi trường mạng hiện còn thiếu các thiết chế để bảo vệ sự an toàn, lành mạnh cho trẻ em. Chính vì vậy, theo chuyên gia Vũ Thu Hà, việc Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử bảo vệ trẻ em trên không gian mạng là hành động cụ thể, thiết thực.

"Bộ Quy tắc ứng xử bảo vệ trẻ em trên không gian mạng giống như tấm lá chắn để hỗ trợ, bảo vệ các con. Đây là điều vô cùng cần thiết vì qua đây các gia đình, thầy cô giáo và tất cả những người có vai trò giáo dục sẽ biết cách để hỗ trợ, hướng dẫn trẻ, giúp các em hiểu được những giới hạn được phép và không được phép, ranh giới nào trẻ cảm nhận được đó là nguy hiểm… Tuy nhiên tôi vẫn nhấn mạnh vai trò của cha mẹ với các con. Cha mẹ cần phải biết con chơi với ai, đó là người như thế nào và đặc biệt phải giới hạn con về thời gian sử dụng mạng internet".

Bộ Quy tắc ứng xử này nhằm đưa ra khuyến nghị về chuẩn mực hành vi, ứng xử cho người dùng mạng, đồng thời nâng cao nhận thức của xã hội đối với các nguy cơ của trẻ em khi hoạt động trên không gian mạng. Phổ biến cách thức báo cáo khi có nghi ngờ về các hành vi xâm hại cho trẻ em trên không gian mạng.

Bộ Quy tắc áp dụng cho 5 nhóm đối tượng gồm: trẻ em; cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ; người dùng internet; đơn vị truyền thông và người sáng tạo nội dung trên không gian mạng; doanh nghiệp cung cấp hạ tầng mạng, nội dung tại Việt Nam.

Khi Internet ngày càng trở nên phổ biến, trẻ em cũng cần tự trang bị kiến thức để tự bảo vệ mình. Theo đó, khi tham gia không gian mạng các em nên tìm hiểu những biện pháp an toàn khi sử dụng thiết bị CNTT, mạng xã hội và các dịch vụ trên mạng; chia sẻ với bạn bè một cách an toàn, lành mạnh và có trách nhiệm. Cẩn thận khi tham gia các hoạt động trên không gian mạng, khi tìm kiếm thông tin trên Internet; không truy cập vào các đường dẫn, nội dung có nguồn gốc không rõ ràng, do người lạ gửi...

Nhưng để làm được điều này theo chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà, cần phải “mưa dầm thấm lâu”, thậm chí đưa vào chương trình giáo dục phổ thông: "Những kỹ năng của học sinh cấp 1 thì phải học từ mầm non, kĩ năng của học sinh cấp 2 thì phải học từ cấp 1 và kĩ năng của cấp 3 thì phải học từ cấp 2. Vì vậy cần phải có sự chuẩn bị sẵn toàn bộ những nguyên tắc, kĩ năng để giúp con có nhận thức đúng, hành xử đúng".

Đó cũng chính là cách để trẻ tự tạo ra “vaccine” kháng lại những nguy hiểm trên môi trường mạng.

Mời nghe âm thanh tại đây: