Phòng tránh là ưu tiên số 1

Các gia đình phải đảm bảo sự an toàn đường dây điện. Tất cả các dây điện phải được đi ngầm ở trong tường hoặc nếu đi bên ngoài tường cần có vỏ bọc hoặc những thiết bị bảo vệ an toàn cho các đường dây điện. Ngoài ra, phải thường xuyên kiểm tra các đường dây điện ở bên ngoài vì có rất nhiều trường hợp có thể bị chuột cắn hoặc vì 1 lý do nào đó dây điện bị mất vỏ bọc an toàn.

Với những gia đình có trẻ dưới 5 tuổi, ổ điện, công tắc, cầu chì, ổ cắm cần phải được lắp đặt ngoài tầm với của trẻ. Nếu ở trong tầm với phải có hộp hay lưới bảo vệ hoặc có nắp đậy an toàn. Những ổ điện nào ít sử dụng phải được dán hoặc thậm chí đậy kín lại để tránh trẻ thò tay hoặc lấy các vật dụng kim loại khác chọc vào ổ điện.

Tuyệt đối không dùng hoặc đấu nối dây điện không có phích, đầu giắc cắm phích cách điện để cắm trực tiếp vào ổ điện. Điều này vô cùng nguy hiểm dẫn đến tai nạn cho trẻ em bất kỳ lúc nào khi chúng ta không kịp quan sát hoặc không kịp giám sát trẻ.

Trang bị kiến thức, kỹ năng về an toàn điện cho trẻ

Giải thích cho trẻ nguy cơ của điện giật là gì, có thể dẫn đến những hậu quả nào. Các phụ huynh cần kiên trì nhắc đi nhắc lại nhiều lần thì trẻ nhỏ mới nhớ được thông điệp này.

Nhắc nhở cách phòng tránh điện giật như tay ướt không được chạm vào các thiết bị điện; không được chạm tay vào các dây điện nứt hoặc ổ điện hở; không sử dụng những thiết bị dễ cháy nổ, rò điện như bàn là, bếp điện, lò nướng; không được đứng gần cột điện, dưới cây to hay đi chân đất dưới trời mưa...

Cách xử lý khi phát hiện trẻ bị điện giật

Ngắt ngay nguồn điện bằng cách rút dây điện, ngắt cầu dao. Không được chạm vào trẻ bằng tay chân trong khi trẻ vẫn đang tiếp xúc với dòng điện và không được đi vào khu vực rò điện, có nước. Để tách trẻ khỏi nguồn điện, nên sử dụng những đồ vật không phải bằng kim loại mà không dẫn điện như que gỗ hay chổi. - Kiểm tra xem trẻ còn thở, còn mạch hay không. Nếu trẻ ngừng thở và không còn mạch chúng ta phải hô hấp cấp cứu ngừng tuần hoàn. Dù vết thương là lớn hay nhỏ thì chúng ta cũng phải gọi cấp cứu ngay.

Tìm xem da trẻ có bị bỏng hay không, sốc điện có thể khiến da bị bỏng nặng, ngay cả khi vết bỏng ngoài trông không quá nghiêm trọng thì trên thực tế vết bỏng có thể rất sâu và gây đau đớn. Ngoài ra vết bỏng trên môi rất khó quan sát, cần phải để ý. Nếu trẻ bị bỏng không nên chườm đá, bôi thuốc mỡ hay bất kỳ thứ gì lên vết bỏng, cần đưa trẻ đi cấp cứu ngay để được nhân viên y tế hỗ trợ.

"Theo quy định của nhiều nước, trẻ từ 13 tuổi trở lên mới được phép ở nhà một mình. Nếu trẻ dưới 13 tuổi mà ở nhà một mình là vi phạm pháp luật. Cha mẹ đó sẽ bị phạt và thậm chí bị tước quyền nuôi con nếu xảy ra vấn đề gì. Khuyến cáo đối với trẻ nhỏ dưới 12 tuổi, các bậc cha mẹ phải hướng dẫn các kỹ năng cho con. Còn đặc biệt trẻ dưới 6 tuổi không được phép để ở nhà một mình."

Bác sỹ Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu đào tạo phát triển cộng đồng