Tại các phiên thảo luận về chủ trương đầu tư cho Chương trình mục tiêu quốc gia Xóa đói giảm nghèo (2021-2025), Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, các đại biểu Quốc hội đã dành nhiều thời gian để phân tích về chất lượng nguồn nhân lực hiện nay cũng như sự cần thiết đầu tư thỏa đáng cho giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Bà Nguyễn Thị Thu Dung, ĐBQH tỉnh Thái Bình cảnh báo, đến năm 2039 Việt Nam sẽ kết thúc giai đoạn dân số vàng. Như vậy chỉ còn 18 năm để Việt Nam tận dụng nguồn nhân lực “vàng” này.

Bà Dung cho rằng cần phải dành nguồn đầu tư công cho việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để chuẩn bị nguồn nhân lực và lực lượng sản xuất trong xu thế phát triển mới, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia, đảm bảo Việt Nam có thể thích ứng và phục hồi nhanh nhất nền kinh tế sau đại dịch.

“Cần dành một nguồn đầu tư công thỏa đáng cho việc phát triển các trường nghề chất lượng cao để đảm bảo lực lượng lao động này. Tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành nghiên cứu để nhanh chóng có thể bố trí nguồn lực này cho các trường nghề chất lượng cao.” – Bà Nguyễn Thu Dung kiến nghị.

Mới đây, diễn đàn Kinh tế thế giới đã công bố báo cáo tương lai việc làm và báo cáo nâng cao kỹ năng vì sự thịnh vượng chung, kêu gọi các Chính phủ ưu tiên nguồn lực và hành động quyết liệt để nâng cao kỹ năng nghề trong các kế hoạch khôi phục quốc gia sau đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, theo bà Dương Minh Ánh, ĐBQH TP. Hà Nội, dự kiến phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, lĩnh vực giáo dục và giáo dục nghề nghiệp được bố trí khoảng 22.972 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ là 2,52% nguồn vốn trong nước ngân sách trung ương), tỉ lệ này chưa cân đối để đảm bảo được mục tiêu phát triển trong giai đoạn 2021-2025.

Để phát triển triển giáo dục nói chung và giáo dục nghề nghiệp nói riêng, bà Dương Minh Ánh kiến nghị cần cân nhắc tới xu hướng tự chủ giáo dục và giáo dục nghề nghiệp hiện nay. Tự chủ thay vì cắt giảm kinh phí chi thường xuyên thì lấy nguồn kinh phí đó để tăng cường nguồn đầu tư cho các trường để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.

Trong khi đó, thảo luận cho ý kiến về Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, ông Nguyễn Hải Dũng (ĐBQH tỉnh Nam Định) đưa ra quan điểm, việc đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, vùng khó khăn cần hỗ trợ cho người lao động biết sử dụng internet để bán sản phẩm nông nghiệp. Bởi theo ông Dũng, đây là xu thế tất yếu trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đồng tình với ý kiến này của ông Nguyễn Hải Dũng, ông Nguyễn Hoàng Mai (ĐBQH tỉnh Tiền Giang) cho rằng, việc đầu tư có chất lượng cho giáo dục nghề nghiệp có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

“Chúng tôi rất mong Chính phủ sẽ bố trí nguồn lực để chúng ta có thể thực hiện được ý tưởng và sự cấp thiết của việc mà phát triển hệ thống giáo dục, đào tạo nghề cũng như hệ thống bảo trợ xã hội. Bên cạnh đó, trong kế hoạch không những đầu tư công trung hạn mà trong kế hoạch tài chính 5 năm, tôi cũng đề nghị có những nguồn lực để chúng ta thực hiện phần chi sự nghiệp cho các lĩnh vực này.” – ông Nguyễn Hải Dũng kiến nghị.

Trước đó, Ban Bí thư khóa XI có Chỉ thị số 37 ngày 06/6/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với đào tạo nhân lực nghề chất lượng cao; Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết số 50 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nhấn mạnh thúc đẩy phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao, ngành nghề trọng điểm, trọng tâm là hiện đại hóa và thay đổi phương thức giáo dục, nhất là giáo dục nghề nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 24 (Ngày 28/05/2020) về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới; Quyết định số 1363 về phát triển các trường nghề chất lượng cao, đặt mục tiêu đến năm 2025 có khoảng 70 trường cao đẳng chất lượng cao, đủ năng lực đào tạo một số ngành nghề được các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN hoặc quốc tế công nhận.

Tranh thủ thời cơ dân số vàng đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, nhất là nhân lực có tay nghề cao, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.