Dự án "treo" không chỉ tồn tại ở các khu vực ngoại thành mà ngay cả những quận nội đô. Ở nhiều vị trí đắc địa, dự án đã được phê duyệt đến hàng chục năm nhưng triển khai rất chậm. Nhiều dự án xây dựng nhà ở, khu đô thị cũng chậm triển khai, thậm chí “treo” hoặc nằm trên giấy hàng chục năm.

Trên thực tế, nhiều Bộ ngành đăng ký xin đất nhưng không đầu tư, hoặc như ở Hà Nội, nhiều Bộ đã có trụ sở ở khu mới nhưng vẫn giữ đất “vị trí vàng” trong nội đô mà không trả lại. Quỹ đất treo này cứ để đó mà không được sử dụng, trong khi đó, quỹ đất cho công trình phúc lợi, giao thông tĩnh, khu vui chơi giải trí…lại rất thiếu.

Bà Đỗ Thị Lan, đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh nêu ý kiến: “Trong các kỳ họp trước, báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện phòng chống tham nhũng và lãng phí đều đề cập vấn đề này nhưng chưa có một con số cụ thể, địa chỉ cụ thể và nêu đích danh đơn vị nào gây ra lãng phí. Nếu vẫn cứ nêu chung chung như vậy thì lãng phí vẫn tồn tại cùng năm tháng, càng để lâu càng lãng phí”.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, theo từng chương trình, kế hoạch hoặc trong các trường hợp cần thiết, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thanh tra, kiểm tra, rà soát các dự án kinh doanh bất động sản tại các khu đô thị...Tuy nhiên, có nhiều nơi, những bất cập đã được chỉ ra nhưng vẫn không được xử lý triệt để.

“Lãng phí đất đai là lãng phí lớn nhất. Chúng ta phải chỉ ra được số lượng đất mà không quản lý và khai thác được, từ đó dẫn đến việc lấn chiếm và sử dụng sai mục đích. Nếu thống kê được chúng ta mới xác định được thẩm quyền quyết định đất nông nghiệp sang mục đích khác. Thẩm quyền nào sẽ là trung ương quyết, thẩm quyền nào là địa phương quyết, chứ đồng nhất thế này chắc chắn gây ra lãng phí đất rất lớn”- ông Nguyễn Văn Quảng, Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng phân tích.

Sự phân quyền này có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội các địa phương. Theo quy hoạch hiện nay, nhiều địa phương đang tiến hành giải phóng mặt bằng để xây dựng cơ sở hạ tầng hoặc đường cao tốc đều phải xin cấp có thẩm quyền, trong khi đó, địa phương lại là nơi nắm rõ và chính xác nhất đâu là đất rừng, đất trồng tạm, đâu là đất nông nghiệp không thể khai thác. Và nếu không xác định rõ mà đã phê duyệt thì đó chính là nguyên nhân gây sự lãng phí đất lớn, ảnh hưởng tới sự phát triển của các địa phương.

Một vấn đề nữa cần nói đến là, đất ở trong các khu công nghiệp, mặc dù là đã quy hoạch, nhưng chưa có thống kê nào chỉ ra tỷ lệ lấp đầy dự án trong các khu công nghiệp. Hàng năm, các địa phương vẫn trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin mở các khu công nghiệp nhưng tỷ lệ lấp đầy vẫn là một dấu hỏi. Nếu cứ làm như vậy mà không có sự giám sát, lãng phí đất đai trong các khu công nghiệp vẫn còn, kéo theo đó tính hấp dẫn đầu tư của các khu công nghiệp cũng sẽ mất dần.

Ông Nguyễn Văn Quảng - Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng cho rằng: “Để khắc phục tình trạng lãng phí, chúng ta cần mạnh dạn thu hồi các dự án không hiệu quả. Nhiều địa phương hiện nay vẫn tồn tại hàng chục dự án “đắp chiếu” hàng chục năm nay mà không thể hoạt động. Nên chăng, Chính phủ, Quốc hội quyết đưa nguồn lực ấy quay trở lại xã hội. Nếu làm được như vậy, chúng ta sẽ tháo gỡ khó khăn về quỹ đất, nguồn vốn cho các địa phương, tạo ra nguồn lực lớn để phát triển cho lâu dài. Có như vậy doanh nghiệp cũng có thêm cơ hội tồn tại, hơn nữa, làm giảm bớt đi sự bức xúc của nhân dân trước tình trạng lãng phí này”.

Một trong những lãng phí hiện hữu hiện nay nữa chính là đất rừng. Nhiều đơn vị được giao quản lý đất rừng là các Công ty TNHH. Họ được giao quản lý hàng chục năm nhưng hiệu quả hay không thì chưa có một đánh giá tổng thể. Thậm chí nhiều nơi, đất rừng được giao đã xuất hiện tình trạng “phát canh thu tô”, trong khi người dân lại không có tư liệu sản xuất. Lãng phí đất rừng làm giảm chất lượng nông nghiệp, là một trong những nguyên nhân gây ra đói nghèo, kéo theo hệ lụy an sinh xã hội.

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban KTQH chỉ ra rằng, những năm qua, do thực hiện chính sách tam nông, chúng ta đã áp dựng ưu đãi thuế cho đất nông nghiệp, lâm nghiệp. Nhưng ở nhiều địa phương, đất rừng được đăng ký giao quyền sử dụng để được hưởng ưu đãi nhưng lại không hoạt động gì. Đã có những địa phương đưa ra chính sách thu hồi nhưng hiệu quả lại không cao bởi nhận thức người dân về vấn đề này chưa thay đổi.

Thực tế thời gian qua, những tồn tại lãng phí đất đai có thể xuất phát từ sự xung đột giữa các quy định của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Mặc dù Chính phủ đã có những đột phá về thể chế, thể hiện qua việc phân cấp phân quyền nhưng nhiều địa phương vẫn lúng túng. Đơn cử, ngoài nguyên nhân do việc tổ chức triển khai đầu tư xây dựng chậm hoặc không thực hiện theo quy hoạch còn có nguyên nhân là vì dự án chưa hoàn thiện thủ tục, hồ sơ pháp lý; dự án có tranh chấp hoặc có vi phạm…

Các cơ quan chức năng phải rà soát và có phương án xử lý chấn chỉnh tình trạng này; đồng thời, phải xử lý kịp thời, hiệu quả tình trạng dự án treo, vi phạm sử dụng đất. Trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp, chấn chỉnh và có hình thức xử lý đối với các nhà đầu tư không tuân thủ thực hiện tiến độ dự án được phê duyệt, cũng như việc không đầu tư xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng dự án.

Dự án chậm đưa đất vào sử dụng, để đất hoang, dự án “treo” đang là thực trạng xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước, gây lãng phí nguồn lực tài nguyên đất đai, giảm hiệu quả đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội.