Đã có nơi ở kiên cố nhưng anh Trương Thanh Duẩn ở xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình vẫn tích cóp, vay mượn để làm thêm một căn nhà với thiết kế: kết cấu bằng khung sắt, vách ngăn bằng gỗ, mái tôn và dưới sàn nhà là hệ thống thùng phi. “Ở đây không có tiền vẫn phải cố làm cho bằng được. Mình tích cóp mỗi năm một ít, năm nay mua gỗ, năm sau mua tôn lợp mái, năm sau nữa mua thùng phi…Cứ làm dần như vậy thôi”, anh Duẩn chia sẻ.

Lý do khiến anh Duẩn dù kinh tế còn eo hẹp nhưng vẫn chi cả chục triệu đồng làm ngôi nhà này là bởi nơi đây được ví như “rốn lũ” của tỉnh Quảng Bình, cứ hễ mưa là ngập. Còn ngôi nhà thì cứ nước lên đến đâu, nhà nổi đến đó. Kết quả là nhiều năm nay, vào mùa mưa lũ anh không còn phải lo lắng về việc đảm bảo an toàn cho gia đình cũng như tài sản.

Theo ông Mai Lệ Thuộc, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hà Tĩnh, mô hình “nhà nổi” chỉ là một trong những ví dụ điển hình về hiệu quả của việc chủ động phòng ngừa rủi ro, thiên tai. Dù thiên tai diễn biến phức tạp, khó lường nhưng nếu người dân chủ động ứng phó sẽ hạn chế thấp nhất được thiệt hại về người và tài sản. “Mỗi loại hình thiên có một cách ứng phó khác nhau, như bão thì cần có kiến thức, kỹ năng chằng chống nhà cửa, lũ thì cần kỹ năng nhận biết, di dời… Nó diễn ra không cái nào giống cái nào. Nếu người dân có sự chuẩn bị trước, có ý thức cao và biết cách phòng tránh thì giảm thiểu được rủi ro. Chúng tôi nghiệm ra rằng mình bỏ ra 1 đồng cho công tác ứng phó thì bằng 10 đồng để khắc phục hậu quả”, ông Thuộc chia sẻ.

Mùa mưa lũ năm nào ông Lê Văn Công, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lào Cai cũng tham gia các hoạt động phòng ngừa, cứu hộ cứu nạn tại địa phương. Với những gì đã chứng kiến, ông nhận thấy sự chủ động phòng ngừa là yếu tố then chốt giúp người dân tránh được những thiệt hại không đáng có về người và tài sản khi thiên tai xảy ra. Do đó, năm nào Hội Chữ thập đỏ cũng tổ chức các buổi tập huấn, trang bị kiến thức, kỹ năng cho người dân ở những nơi có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét. “Những địa bàn nào chúng tôi xây dựng mô hình cộng đồng phòng chống thiên tai hoặc xây dựng được đội xung kích và tổ chức tập huấn cho bà con thì ở nơi đó khi bão, lũ xảy đến người dân đều chủ động và biết cách phòng tránh. Theo đó, hạn chế được thiệt hại về người, sơ tán kịp thời tài sản”, ông Công cho biết.

Thực tế cho thấy do tác động của biến đổi khí hậu nên thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp và khó lường. Tuy nhiên, khi chủ động phòng ngừa, ứng phó bằng cách trang bị kiến thức, kỹ năng và trang thiết bị cần thiết thì khi thiên tai xảy ra người dân giảm nhẹ được rủi ro, hạn chế được những thiệt hại không đáng có về người và tài sản.

Nghe bài viết dưới đây: