Nhận thấy bảo vệ môi trường là trách nhiệm không của riêng ai, đông đảo người dân trên địa bàn Hà Nội đã biến nhận thức thành hành động.

Môi trường sống có mối liên hệ mật thiết đối với sức khỏe con người. Chính vì vậy, thời gian qua, người dân ở nhiều nơi có ý thức cao trong việc xử lý rác thải nhằm bảo vệ môi trường. Chị em phụ nữ ở xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội là những trường hợp điển hình. Ai nấy đều cho rằng ô nhiễm môi trường sẽ để lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, gây ra các bệnh hiểm nghèo. Trên cơ sở đó, mỗi cá nhân đã có những hành động thiết thực nhằm xóa các điểm đen về ô nhiễm trên địa bàn. “Trước đây, ở chỗ xóm Giếng, bà con cứ mang rác ra đó xả bừa bãi, bốc mùi hôi thối, nhìn mất vệ sinh. Bây giờ nơi đó đã thành vườn hoa rất đẹp”, bà Phạm Thị Khuyên, ở thôn Bằng Sở, xã Ninh Sở tự hào kể.

Đề cập sự đổi thay về cảnh quan môi trường vực lân cận nhà mình, bà Trần Thị hải Lý, ở thôn Ninh Xá, xã Ninh Sở cũng khoe: “Cách đây 7 năm, những đoạn đường gần nhà toàn cỏ, rác, rất bẩn. Giờ thì không chỉ sạch mà hai bên đường còn có hoa, nhìn rất đẹp”. “Trước kia, ở chỗ tôi ở, rác bừa bãi trên các con đường. Giờ thì đường làng, ngõ xóm đều sạch đẹp sạch sẽ, mát mẻ”, bà Nguyễn Thị Hằng, ở thôn Xâm Dương 2, xã Ninh Sở tự hào.

Chia sẻ với phóng viên VOV2, bà Phạm Thị Ni Na, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội cho biết “cái gốc” của sự đổi thay đó là thay đổi trong ý thức của người dân. “Chúng tôi xây dựng mô hình Gia đình 5 không 3 sạch, gồm sạch nhà, sạch ngõ, sạch bếp. Chị em phụ nữ gương mẫu đóng góp mua thùng rác để ở các đầu ngõ xóm và để rác vào trong đó. Ngoài ra, chúng tôi tuyên truyền để từng bước làm thay đổi nhận thức của người dân. Cứ như vậy, người này nhìn theo người khác thực hiện. Đến giờ, hoạt động này đã trở thành phong trào”, bà Phạm Thị Ni Na chia sẻ.

Bảo vệ môi trường là trách nhiệm không của riêng ai. Tâm niệm như vậy, người dân ở nội đô Hà Nội cũng chung tay bảo vệ môi trường theo cách riêng của mình. “Từ lâu, gia đình tôi có 2 thùng tác. 1 thùng để rác tái tế, thùng còn lại để rác hữu cơ”, bà Nguyễn Thị Búp, ở phường Tân Mai, quận Hoàng Mai.

Còn với bà Phạm Thị Hoa và Nguyễn Thị Hồi ở phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, thay vì túi nilon, bà chuyển sang dùng túi giấy, đồng thời dùng làn để đựng thực phẩm mỗi khi ra chợ nhằm hạn chế xả thải rác thải nhựa ra môi trường. “Trước đây tôi hay dùng túi nilon. Giờ tôi tự gấp túi từ những tờ giấy khổ lớn và giấy báo. Chỉ mất chút thời gian nhưng lợi ích rất lớn, vừa tiết kiệm chi phí vừa thân thiện môi trường”, bà Nguyễn Thị Hồi chia sẻ.