Trong giai đoạn vừa qua, phần lớn các quốc gia trên thế giới đều phải đối mặt với tình trạng di cư do quá trình công nghiệp hóa. Ở Việt Nam, tình trạng di dân đến các địa phương có sự tập trung doanh nghiệp cao, kết nối hạ tầng giao thông thuận lợi, hội tụ nhiều trường học, viện nghiên cứu, bệnh viện… cũng là một xu hướng trong những năm gần đây.

Ở thời điểm hiện tại sự hấp dẫn cũng như các cơ hội việc làm ổn định, thu nhập cao của các đô thị lớn vẫn là những động lực mạnh mẽ thúc đẩy quá trình di cư. Song nhìn từ làn sóng dịch chuyển lao động từ các tỉnh phía Nam về quê khi đợt dịch Covid- 19 lần thứ bùng phát mạnh mẽ thì hầu hết các chuyên gia đều cho rằng chúng ta không thể tiếp tục phát triển theo hướng quy tụ quá nhiều khu công nghiệp và tập trung nhân lực tại các thành phố lớn.

Làn sóng người lao động rời thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trở về quê, là một hiện tượng, một vấn đề xã hội không thể cưỡng. Nhiều chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp… bày tỏ lo ngại về tình trạng khủng hoảng thiếu lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất thời hậu Covid-19. Thách thức đó là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, liệu trong nguy nan có nhìn thấy cơ hội?

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội khóa XV: Việc dòng người rời thành phố về các vùng quê trước mắt sẽ có những thách thức nhất định nhưng đó cũng chính là cơ hội để nước ta cơ cấu lại nguồn lao động.

Theo ông Lộc việc quy tụ, dồn nén lực lượng ở các “siêu” đô thị không chỉ gây quá tải cho các thành phố lớn, mà còn làm mất cơ hội thu hút đầu tư phát triển với các địa phương khác đang nghèo hơn, chủ yếu mưu sinh bằng nông nghiệp. Mô hình này cũng không đảm bảo sự phát triển bền vững, bao trùm và khó có khả năng chống chịu trước những biến cố.

Giải quyết vấn đề này, ông Lộc cho rằng cần thiết phải xây dựng thêm nhiều trung tâm và các chuỗi đô thị vệ tinh tại các vùng kinh tế khác nhau để tạo thêm những cực tăng trưởng mới của nền kinh tế để có thể chia lửa cho Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và nhiều vùng trung tâm khác.

Đồng tình với việc phát triển theo quy hoạch vùng để giảm bớt chuyện ly nông nhưng không ly hương nhưng, ông Phạm Ngọc Toàn, Giám đốc Trung tâm phân tích và dự báo Chiến lược Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho rằng, việt phát triển các đô thị vệ tinh để giảm áp lực cho các thành phố lớn là câu chuyện đã được thế giới triển khai khá nhiều và hiện nay Việt Nam cũng đã và đang đi theo xu hướng.

Ông Toàn dẫn chứng, xung quanh Hà Nội cũng đã hình thành khá nhiều các khu đô thị vệ tinh như Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Dương hay ở khu vực phía Nam có Đồng Nai, Bình Dương cũng là những nơi giải quyết một phần rất lớn lực lượng lao động, đặc biệt là nhóm lao động phổ thông. Còn ở trung tâm thành phố sẽ tập trung vào khâu nghiên cứu để tạo ra giá trị gia tăng tốt hơn.

Tuy nhiên để phát triển theo xu hướng này, ông Toàn cho rằng điều kiện tiên quyết đối với mỗi khu công nghiệp, khu chế xuất hay các khu đô thị vệ tinh khi được thành lập cần phải tính đến bài toán đầu tư đồng bộ hạ tầng, đảm bảo người lao động có nhà ở, có nơi cho con đi học. Bên cạnh đó cũng cần đảm bảo các điều kiện sống, xây dựng những vị trí việc làm bền vững bền vững. Người lao động làm việc phải được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để trong trường hợp gặp rủi ro như đại dịch covid- 19 vừa qua thì người lao động sẽ được bảo vệ và có một môi trường làm việc tốt nhất.

Ông Toàn đưa ra kiến nghị cần quy hoạch, tạo cơ hội phát triển vùng, nhất là những vùng khó khăn. Hoàn thiện thể chế và môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút đầu tư phát triển doanh nghiệp, tạo việc làm cho người dân tại địa phương.

Cần có giải pháp trong đào tạo nghề, tạo việc làm ổn định để người lao động có được việc làm, phát triển cuộc sống ngay trên quê hương mình. Mở rộng đối tượng được vay đến các dự án sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế khởi nghiệp, hộ nghèo, cận nghèo mới thoát nghèo.

Theo ông Phạm Ngọc Toàn, sau đợt dịch lần thứ tư này, chắn chắn tâm lý cũng như sự lựa chọn của người lao động sẽ có nhiều thay đổi. Và cũng rất có thể, các thành phố lớn sẽ khó thu hút người lao động đã di cư về các địa phương quay lại làm việc. Đợt khủng hoảng vừa qua khiến họ trải qua rủi ro rất lớn và cảm nhận rõ cuộc sống thành phố không có gì tốt hơn so với ở quê. Dù thời gian vừa qua, Chính phủ đã triển khai nhiều gói hỗ trợ khác nhau, nhưng rất nhiều chính sách vẫn chậm đến tay người hưởng lợi. Đặc biệt đối với nhóm lao động phi chính thức, thậm chí có người không nhận được hỗ trợ hoặc hỗ trợ quá nhỏ bé so với nhu cầu thiết yếu để họ có thể đảm bảo đời sống. Và đó cũng chính là cơ hội để nước ta thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc hình thành các chuỗi đô thị vệ tinh, xem đó là chìa khóa vàng, đóng vai trò dẫn dắt, lan toả, đưa đô thị và công nghiệp về với nông thôn, để phân bổ lại không gian kinh tế và thị trường lao động theo hướng an toàn và có hiệu quả hơn.